Sau khi thành Gia Định và đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2/1861), Pháp thừa thắng đánh chiếm một số vùng xung quanh. Ở Long An, mặt trận chống giặc hình thành rộng khắp từ Bến Lức qua Cần Đước, Cần Giuộc đến Tân An... Các nghĩa này hoạt động dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại nguyên soái dân phong Trương Định. Chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc lúc bấy giờ là Bùi Quang Diệu.
Ngày 10/12/1861, ngọn "Hỏa hồng Nhựt Tảo" của Nguyễn Trung Trực nhấn chìm tàu Pháp trên dòng Nhựt Tảo (10/12/1861) làm bừng lên khí thế đánh giặc khắp Gia Định. Nắm được tình hình, Phó đô đốc Pháp Bornard ra lệnh rút bớt lính tập ở các đồn để tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, chặn đường liên lạc giữa quân triều đình với miền Tây.
Ngày 16/12/1861, Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, hạ được một số lính Mã tà, Ma ní. Pháp liền dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người).
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, lúc bấy giờ về Cần Giuộc, ở chùa Tôn Thạnh bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn, đã viết bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Đây như lời truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh trong trận đánh này.
Nhớ linh xưa
Côi cút làm ăn,
Riêng lo nghèo khổ,
Chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng hộ;
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như nắng hạn trông mưa.
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Đêm thấy bòng bong che trắng lớp, những muốn ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen xì, toan ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hưu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình.
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Bài văn tế trở thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam Bộ. Nó khích lệ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược.
Theo nhà phê bình Hoài Thanh, trong văn chương chưa hề có một cái nhìn yêu thương và kính phục như vậy đối với người nông dân như "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc".
Năm 2015, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ khánh thành khu tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Câu 2: Long An tiếp giáp với các tỉnh, thành nào trong nước?
a. TP HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang
b. TP HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang
c. TP HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang
Mạnh Tùng