Trong 65 năm tồn tại chính thức, nhà Mạc trải qua năm đời vua.
Theo Đại Việt thông sử, sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã “lập ngay con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh làm thái tử, phong em trai là Quyết làm Tín vương, truy phong em trai là Đốc làm Từ vương, ba em gái đều phong công chúa”. Nhà Mạc luôn thực hiện truyền ngôi theo chế độ trưởng nam và dòng đích.
Lên ngôi chưa đầy ba năm, cuối năm 1529, Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) thấy “nhân tâm trong nước chưa yên” bèn rút lui khỏi chính sự, nhường ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông) để lên làm Thái thượng hoàng.
Năm 1540, Mạc Đăng Doanh chết, Mạc Đăng Dung đã chọn cháu nội (con trưởng của Đăng Doanh) là Mạc Phúc Hải (Mạc Hiến Tông) lên thay. Đến năm 1546, Phúc Hải chết, con trai trưởng là Mạc Phúc Nguyên (Mạc Tuyên Tông) lên thay mặc dù có nhiều ý kiến khuyên ngăn vì Phúc Nguyên khi ấy mới hai tuổi.
Khi Phúc Nguyên chết năm 1561, con trai đích của ông là Mạc Mậu Hợp lên thay. Giữ ngôi báu cho nhà Mạc được 30 năm thì Mậu Hợp bị quân đội Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại, kết thúc sự tồn tại chính thức của nhà Mạc.
Theo PGS.TS Trần Thị Vinh, tác giả cuốn Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc - Hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức, vì đảm bảo nguyên tắc truyền ngôi theo chế độ trưởng nam và dòng đích nên triều đình nhà Mạc không xảy ra khủng hoảng về mặt thiết chế, không có sự tranh giành ngôi báu trong suốt 65 năm trị vì, mặc dù tình hình chính trị rất rối ren và nội chiến diễn ra không ngớt.
Câu 3: Nhà Mạc được đánh giá thịnh trị nhất dưới thời vua nào?