Trần Quang Khải sinh tháng 10/1241, quê làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay là xã Lộc Vương, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), là con của vua Trần Thái Tông và công chúa Thuận Thiên.
Theo sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần, tuy sức vóc yếu, mới sinh ra đã đau ốm, có lần suýt chết, nhưng hoàng tử Quang Khải rất khôi ngô, cặp mắt tinh anh.
Năm 1247, Đại Việt mở khoa thi để chọn trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa, gọi là Tam khôi. Khoa thi này diễn ra sự kiện lạ lùng mà suốt lịch sử khoa cử của đất nước chưa thấy lặp lại. Đó là cậu bé Nguyễn Hiền mới 12 tuổi đỗ trạng nguyên, Đặng Ma La 14 tuổi đỗ thám hoa và Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ bảng nhãn.
Vua Trần Thái Tông chọn một trong ba người vừa đỗ Tam khôi vào cung để dạy bảo hoàng tử nên đòi trạng nguyên Nguyễn Hiền vào bệ kiến. Thấy trạng quá trẻ, ăn nói tự nhiên, chưa biết theo phép tắc của triều đình nên vua truyền cho trạng về nhà học thêm lễ nghĩa, chờ tuổi trưởng thành thì bổ dụng.
Vua sau đó giữ bảng nhãn Lê Văn Hưu ở lại trong cung làm môn khách, dạy dỗ hoàng tử Trần Quang Khải. Hàng ngày, ngoài việc chỉ vẽ cho hoàng tử chữ nghĩa trong sách thánh hiền, thầy Hưu còn giảng giải thêm về lịch sử nước nhà, nhất là chuyện chống xâm lăng, chuyện vua giỏi tôi hiền và cả chuyện giành giật cướp ngôi báu trong chốn cung đình dẫn đến sự sụp đổ của những triều vua trước.
Có lần, Trần Quang Khải hỏi thầy liệu có cách gì để một nước nhỏ bé như Đại Việt chống được sự thôn tính của kẻ ngoại bang hùng mạnh? Thầy Hưu trả lời khi nào vua quan trong triều cùng lòng, nhân dân cả nước đoàn kết, một chí diệt giặc, thì kẻ địch nào cũng bị đánh bại. Câu nói đơn giản đó đã khắc sâu vào tâm khảm hoàng tử trẻ.
Câu 2: Trần Quang Khải chính thức tham gia triều chính năm bao nhiêu tuổi?