Như nhiều danh tướng nhà Trần, Trần Quang Khải vừa đánh giặc, vừa làm thơ. Tài làm thơ của ông được thể hiện rất rõ qua những bài thơ sáng tác khi tiếp đón sứ giả nước Nguyên hay khi chiến thắng quân Nguyên - Mông, trở về kinh thành Thăng Long.
Khi đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, Trần Quang Khải không được khỏe. Ông xin về tĩnh dưỡng ở Phúc Hưng viên, nơi quê hương Thiên Trường, Nam Định.
Hàng ngày, ông lấy đọc sách, ngâm thơ, tưới cây, ươm hoa làm vui. Ông đã sáng tác tập thơ "Lạc Đạo" (Đạo vui) nhưng đến nay chỉ còn mấy bài. Thơ ông phảng phất những hoài niệm về một giai đoạn chống ngoại xâm đầy hào hùng của dân tộc, mà trong thời trai trẻ của mình, ông đã có những đóng góp lớn lao.
Trong bài "Cảm xuân", vị danh tướng, nhà ngoại giao, thi sĩ Trần Quang Khải đã nói lên nỗi lòng mình bằng những câu thơ sau: "Dũng khí ngày nào rày vẫn có/ Quất ngang ngọn gió đọc thơ chơi" hay "Tiêu khiển nay nhờ ba chén rượu/ Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa".
Tháng 7/1294, Trần Quang Khải qua đời vì bệnh, hưởng thọ 53 tuổi. Công lao của Trần Quang Khải đã được vua Trần Thánh Tông đánh giá rất cao. Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục viết: "Trần Quang Khải lúc làm tướng võ, khi thì làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh sánh ngang với Quốc Tuấn". Nhân dân lập đền thờ ông ở nhiều nơi, đặc biệt ở Nam Định. Tên của ông cũng được dùng làm tên đường ở một số tỉnh thành trên cả nước.
Thanh Tâm