Vương triều nhà Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung dẹp được các bè phái trong cung đình và ép vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê nhường ngôi vào tháng 6/1527. Vị Thái tổ sáng lập ra nhà Mạc được sinh thành ở đất Cổ Trai, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng.
Năm 1529, Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nhường ngôi cho con trai cả là Mạc Đăng Doanh để về quê hương làm thái thượng hoàng. Ông cho xây dựng tại đây một kinh đô thứ hai là Dương Kinh, tồn tại song song với kinh thành Thăng Long.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Dương Kinh bao gồm quần thể kiến trúc cung điện, lầu các với quy mô trải rộng. Nơi đây có đồn binh, kho lương và một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long.
Khác với các cung điện ở Đình Bảng (Bắc Ninh) dưới thời Lý, Thiên Trường (Nam Định) dưới thời Trần, hay Lam Kinh (Thanh Hóa) thời Lê sơ vốn chủ yếu là nơi nghỉ ngơi, thờ tự của các vua chúa, hoàng tộc, Dương Kinh thời Mạc còn có vai trò như một trung tâm kinh tế, giao thương quan trọng nằm sát biển.
Nhà Mạc cho xây dựng tại đây những thương cảng như phố Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha... Các nhà sử học ngày nay có chung nhận định, Dương Kinh thời Mạc không chỉ là kinh đô hướng biển mà còn là đô thị ven biển đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Tồn tại 66 năm, thời vua Mạc Mậu Hợp do bị quân đội Lê - Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592, nhà Mạc suy tàn.
Ngoài nhà Mạc, Hải Phòng còn là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: nhạc sĩ Văn Cao; nhà văn Hoàng Ngọc Phách - tác giả tiểu thuyết Tố Tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam; nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân...
>>Quay lại