Cao lầu là đặc sản ở Hội An. Theo Văn hóa ẩm thực ở phố cổ Hội An, nguồn gốc và tên gọi món ăn rất khó xác định. Những Hoa kiều ở đây không công nhận cao lầu là món ăn của họ. Một số nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng cao lầu có nét giống món mì ở vùng Ise, nhưng thực tế hương vị và cách chế biến rất khác.
Sợi cao lầu được chuẩn bị rất công phu và là phần tinh túy của món ăn. Người ta ngâm gạo vào nước tro được lọc kỹ của một loại cây địa phương, sau đó xay thành nước bột, do đó có màu vàng. Bột sau khi để khô có độ dẻo, được cán thành miếng và cắt thành sợi mì.
Cao lầu không cần nước lèo, nước nhân, thay vào đó là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ và dùng kèm với giá trụng, rau sống. Khi có khách gọi, người bán bắt đầu chần mì, đổ giá ra bát, bỏ vào mấy lát thịt xíu hoặc ba chỉ, đổ tép mỡ, thêm một muỗng mỡ heo rán sẵn ở lò bên. Hương vị của mắm và nước tương khiến món ăn thêm dậy vị.

Sợi mì màu vàng là tinh túy của món cao lầu. Ảnh: Mytour
Có ý kiến cho rằng món cao lầu gây ấn tượng cho thực khách nhờ sử dụng nước giếng Bá Lễ, tro ở Cù Lao Chàm và rau sống Trà Quế. Do vậy, không nơi nào bắt chước được hương vị này.
Tiệm cao lầu nổi tiếng ở Hội An trước đây từng đi vào câu ca dao: "Hội An có Hạ Uy Di. Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ".
>>Quay lại