Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết năm 1323 (đời vua Trần Minh Tông): "Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem mười quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”.
Sách Danh nhân Việt Nam kể chi tiết hơn:
Mạc Đĩnh Chi vốn là người sống rất thanh liêm, chính trực, vì thế tuy làm quan to song gia cảnh vẫn thanh bần, được nhiều người kính phục, yêu mến. Có lần, để thử ông, vua sai người lén bỏ mười quan tiền trước cửa vào nửa đêm. Nhưng trời vừa sáng đã thấy ông xin vào bệ kiến, trên vai vác một túi tiền, quỳ trước ngai vàng tâu:
- Tâu bệ hạ, không hiểu đêm qua, có ai đó bỏ quên túi tiền trước cửa nhà hạ thần. Hạ thần đã hỏi hàng xóm, láng giềng mà không ai nhận. Vậy mang số tiền đó nộp vào kho nhà nước.
Vua lắc đầu:
- Nếu không ai nhận, mà tiền lại ở ngay trước cửa nhà ông, thì nó là của ông, việc gì phải tâu báo.
Mạc Đĩnh Chi nói:
- Tâu bệ hạ, tiền này không phải do thần đổ công sức ra làm, nên thần không dám nhận, xin cho nộp vào ngân khố, sau này dùng để phát chẩn cho người nghèo.
Nói đến đây, Trạng đặt túi tiền xuống, vái lạy nhà vua rồi cáo lui. Vua Trần mỉm cười nói với quần thần: “Quan Trạng quả là người quá ư chính trực”.
Mạc Đĩnh Chi mất năm 1346 (một số tài liệu viết là 1350). Hiện, đền Long Động thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thờ Mạc Đĩnh Chi. Năm 1992, Nhà nước xếp hạng đây là di tích lịch sử quốc gia.
Thanh Tâm