Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1370 khi tư nghiệp trường Quốc Tử Giám Chu Văn An mất, vua Trần đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu. Ông là người Việt Nam đầu tiên được đưa vào phối thờ ở miếu Khổng Tử này.
Chu Văn An (1292-1370) là thầy giáo của thái tử Trần Vượng - sau là vua Trần Hiến Tông. Ông mở trường dạy học ở quê, gây được tiếng vang lớn bởi có 2 người đỗ thái học sinh tương đương học vị tiến sĩ. Vua Trần Minh Tông sau đó mời Chu Văn An làm tư nghiệp, tức hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám.
Dưới thời vua Trần Dụ Tông, triều chính rối ren, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin vua xử chém 7 viên quan gian nịnh. Không được chấp thuận, ông trả lại áo quan đến núi Chí Linh dạy học. Tài năng, khí tiết hiên ngang, trung nghĩa của Chu Văn An khiến người đời kính trọng, tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Người Việt Nam thứ hai được thờ tự ở Văn Miếu là Trương Hán Siêu. Ông quê xã Phúc Am (Yên Khánh, Ninh Bình), làm quan dưới 4 triều vua nhà Trần gồm: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông. Ông từng giữ chức Hàn lâm viện học sĩ, là người cứng cỏi, giỏi văn chương chính sự. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn biên định bộ Hoàng triều đại điển, khảo soạn bộ Hình thư; là tác giả của bài phú Sông Bạch Đằng, khái quát chiến công của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên.
Với uy tín và học vấn của mình, Trương Hán Siêu được các vua Trần gọi bằng thầy. Năm 1372, vua Trần Nghệ Tông truy tặng cho Trương Hán Siêu (mất năm 1353) là thái phó, cho tòng tự ở miếu Khổng Tử, tức Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Quan nhà Trần cuối cùng được vua ban cho thờ tự ở Văn Miếu là Đỗ Tử Bình (không rõ năm sinh, năm mất). Ông làm quan dưới 4 đời vua Trần là Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông và Phế Đế. Đỗ Tử Bình nhiều lần được vua giao cho làm tham mưu quân sự, chỉ huy binh sĩ chiến đấu với Chiêm Thành. Sau khi ông chết (sau năm 1380), triều đình truy tặng ông là thiếu bảo, cho thờ tự ở Văn Miếu.
Câu 2: Vì sao nhiều học giả phản đối việc đưa Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình vào thờ tự trong miếu Khổng Tử?