Vua Hàm Nghi, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, lên ngôi vào năm 1884, khi mới 13 tuổi. Là vua yêu nước, từng hai lần ra dụ Cần Vương động viên, hô hào nhân dân chiến đấu với giặc Pháp vì sự nghiệp giúp vua cứu nước, vua Hàm Nghi bất ngờ bị hầu cận phản bội, bắt và giao nộp cho quân Pháp vào năm 1888 rồi đưa vào Sài Gòn.
Ngày 13/12/1888, từ Sài Gòn, vua Hàm Nghi được đưa xuống chiếc tàu mang tên Biên Hòa vượt đại dương đi Bắc Phi. Tới ngày 13/1/1889, ông được đưa đến thủ đô Alger của Algeria, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Khi ấy, vua mới 18 tuổi.

Đám cưới vua Hàm Nghi ở Algeria. Ảnh tư liệu
Theo sách Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, trong thời gian bị lưu đày ở Algeria, Hàm Nghi (khi đó là cựu hoàng) được người dân quý trọng vì họ đánh giá cao tinh thần yêu nước của ông. Ở nơi đất khách quê người, cựu hoàng Hàm Nghi vẫn luôn mặc khăn đóng áo dài theo lối quốc phục của Việt nam. Tại đây, ông có một vài người bạn thân là nữ nhà văn hay con gái của viên đại tá Tư lệnh.
Ngày 4/11/1904, cựu hoàng lúc đó 33 tuổi, cưới bà Marcelle Aimée Léonie Laloe, con gái của chánh án tòa Thượng thẩm thủ đô Alger. Đám cưới của cựu hoàng là sự kiện được nhiều người quan tâm lúc bấy giờ. Ông cùng bà Laloe có ba người con là công chúa Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức.
Vua Hàm Nghi qua đời vào ngày 4/1/1943 (một số tài liệu viết là 14/1/1944) ở biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Năm 1965, hài cốt của ông được con gái thứ hai là công chúa Như Lý dời qua Pháp, đặt tại nghĩa trang Thonac.