Cha Thạch Lam là ông Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ. Mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái đầu lòng cụ Lê Quang Thuật - người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Hồi đó, tri huyện Cẩm Giàng là ông Nguyễn Tường Tiếp (cha ông Nguyễn Tường Nhu), quê gốc Quảng Nam đã nhờ người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường.
Ông bà Nhu lấy nhau hơn chục năm, rời phố Hàng Bạc (Hà Nội) về quê Cẩm Giàng, sau đó lại theo con cả Nguyễn Tường Thụy ở Tân Đệ (Thái Bình). Do buôn bán ở Thái Bình không mấy thuận lợi, bà Nhu lại đưa cả gia đình về Hà Nội.
Khi vợ Nguyễn Tường Thụy xin ra ở riêng, bà lại về Cẩm Giàng. Thuở nhỏ, Thạch Lam chủ yếu sống phố huyện này.
Người thân của Thạch Lam kể, ông thể trạng yếu, tuổi thơ nhọc nhằn cùng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm nhà văn sớm mắc căn bệnh lao phổi. Nhà văn đi đứng nhẹ nhàng, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, đối đãi cung kính với mọi người.
Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa lúc xuất bản, Thạch Lam viết: "Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Đây được xem như tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.
Ông mất ở tuổi 32 khi tên tuổi đang rực rỡ trên văn đàn.