Nam Cao (1915-1951) là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Ông tên thật Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Bút danh của ông được ghép từ hai chữ của tên tổng và huyện.
Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Đặc biệt một số nhân vật của Nam Cao trở thành những hình tượng điển hình, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác.
Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác "tìm đường" của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.
Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành (Hà Nội). Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do NXB Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Với tác phẩm này, Nam Cao xứng đáng là một trong những tên tuổi lớn của trào lưu văn học hiện thực giai đoạn trước Cách mạng tháng tám 1945 như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Nhân vật Chí Phèo đã để lại dấu ấn khó quên và nỗi day dứt, ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc.
Câu 2: Tên ngôi làng làm bối cảnh trong truyện ngắn "Chí Phèo"?