Ở Việt Nam, thập niên 30 của thế kỷ trước xảy ra nhiều cuộc bút chiến mà trước và sau đó rất hiếm thấy. Các cuộc bút chiến này làm sáng tỏ nhiều vấn đề thực tiễn và lý luận đang đặt ra lúc bấy giờ.
Năm 1926, Tản Đà cho ra đời An Nam tạp chí số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng, tờ báo ông dành hết tâm huyết. Ông thường đi du lịch, khi thì lên đề thơ ở núi Non Nước - Ninh Bình (bài Vịnh hòn đá), khi thì vào Trung Kỳ, Sài Gòn thăm bạn... Ông vừa làm báo vừa đi chơi do đó tạp chí An Nam cũng ra thất thường. Dần dần, ông túng quẫn, những cuộc đi là để trốn nợ hoặc giải sầu, hoặc là tìm người tài trợ cho báo.
Thời kỳ này ông viết nhiều, các tập Nhàn tưởng (bút ký triết học, 1929), Giấc mộng lớn (tự truyện, 1929), Khối tình con 3 (in lại thơ cũ), Thề non nước (truyện), Giấc mộng con 2 (truyện), lần lượt ra đời.
Năm 1931-1932, Tản Đà có cuộc bút chiến nổi tiếng với Phan Khôi - học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng - về luân lý và Tống Nho. Ông có câu nói nổi tiếng khi kết án Phan Khôi "vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong quá" và đòi đem Phan Khôi ra Văn Miếu quất roi vào mông.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có hai người chủ yếu xây dựng sự nghiệp của mình thông qua các cuộc bút chiến, đó là Phan Khôi và Hải Triều. Đối tượng bút chiến của Phan Khôi hầu hết là học giả nổi tiếng đương thời, ngoài Tản Đà còn có Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Lê Dư…
Những năm cuối đời, Tản Đà sống trong nghèo túng. Ông qua đời năm 1939 sau một thời gian chống chọi với bệnh gan.