Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, thời gian Nguyễn Đình Chiểu sống ở Bến Tre, viên tỉnh trưởng người Pháp nhiều lần thân hành đến thăm ông. Có lần ông ta lấy cớ nhờ nhuận sắc bản Lục Vân Tiên, nhưng nhà thơ giả vờ điếc đặc. Lần khác, ông ta thông báo sẽ trả lại ruộng đất ở Gia Định cho đồ Chiểu, liền nhận được câu trả lời: Đất vua còn phải bỏ thì đất tôi sá gì.
Viên quan còn đặt vấn đề cấp dưỡng cho nhà thơ, nhưng Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục từ chối. "Tôi đây đang sống đầy đủ trong sự tôn kính của các môn đệ và sự quý mến của đồng bào. Điều đó đã làm tôi thỏa mãn lắm rồi", cuốn Những người thầy trong sử Việt ghi lại lời đối đáp của ông.
Có một lần viên quan Pháp gặng hỏi Nguyễn Đình Chiểu đưa ra một ước vọng. Đó là lần duy nhất ông tỏ ý hợp tác và bày tỏ mong muốn chính phủ Pháp cho ông tổ chức một buổi lễ tế vong hồn những người dân chết trận. Viên quan đồng tình. "Hôm đó, tại chợ Đập nay là chợ Ba Tri, nghe nhà thơ đọc bài văn tế thảm thiết, đông đảo mọi người đến dự đều không cầm được nước mắt", sách viết.
Năm 1888, nhà thơ, nhà giáo khiếm thị qua đời. Ngày đưa tiễn ông, cánh đồng An Đức (Ba Tri, Bến Tre) rợp khăn tang của những người mến mộ, kính trọng đồ Chiểu - một tấm gương đạo đức, đấu tranh cho nhân dân.
Tên của ông được đặt cho tên đường ở quận trung tâm của Hà Nội và TP HCM. Ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị nổi tiếng của thủ đô cũng được đặt theo tên của nhà văn hóa này.
>>Quay lại