Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ vào khoảng tháng 1-3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Những tập tục trong lễ cưới mang tính đặc thù của dân tộc mặc dầu ngày nay đã được đơn giản hóa và mỗi địa phương có cách thể hiện khác nhau, nhưng cái hồn của chúng vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trong ngày cưới, cô dâu người Khmer đa phần vẫn mặc trang phục truyền thống là chiếc xăm pốt hôl (váy hình ống) màu tím sẫm hay màu hồng cánh sen, áo dài tầm pông màu đỏ thắm. Cô dâu quàng khăn ngang người và đội mũ pkál plac - loại mũ hình tháp nhọn nhiều tầng, bằng kim loại hoặc bằng giấy bồi, được trang trí bằng cánh con kim quýt màu xanh biếc. Chú rể người Khmer mặc xà rông và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ, quàng khăn truyền thống lên vai trái và đeo dao kampach với ý nghĩa bảo vệ cô dâu.
Cuốn Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam viết, lễ cưới của người Khmer kéo dài trong 3 ngày với lễ chính là ngày thứ hai. Lúc này, nhà trai phải đem mâm cơm cúng và đưa chú rể sang nhà gái. Khi nhà trai đến, nhà gái đã rào cổng, nhà trai phải đặt hai mâm cơm cúng trước cổng và thực hiện nghi lễ múa mở cổng rào để được nhà gái cho vào làm lễ trình báo các lễ vật mang sang làm cưới.
"Hoa cau là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Khmer. Hoa cau tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái, vừa biểu thị lòng biết ơn đối với cha mẹ, anh chị. Mẹ cô dâu là người được mở bông cau trong lễ mở buồng cau", sách viết.
Sau các nghi thức, người Khmer sẽ làm lễ cột chỉ tay cho cô dâu, chú rể để cầu phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Câu 5: Tết truyền thống đón năm mới của người Khmer có gì đặc biệt?