Lạc đà vicuna chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Peru và là biểu tượng quốc gia xuất hiện trên quốc huy, đồng tiền của nước này. Đó là một trong hai loài lạc đà hoang dã ở Nam Mỹ, sống ở vùng cao núi Andes và phân bố nhiều nhất ở Peru.

Đồng xu in hình lạc đà vicuna. Ảnh: Numis Corner
Trong lịch sử đế quốc Inca (Peru từng là một phần của đế quốc này), có khoảng hai triệu lạc đà vicuna sinh sống tại khu cao nguyên của dãy núi Andes. Người Inca thời xưa có luật lệ không ai được phép làm hại lạc đà vicuna và chỉ có giới quý tộc mới mặc quần áo bằng len dệt từ lông loài vật này. Đây là loại len thuộc hàng tốt nhất thế giới, chỉ thu hoạch 3-4 năm một lần sau nghi lễ được gọi là "chaccu".
Khoảng thế kỷ 16, lạc đà vicuna bắt đầu bị săn bắn nhiều vì đem lại giá trị kinh tế lớn khiến số lượng không ngừng suy giảm. Tới thế kỷ 20, áo choàng lông vicuna trở thành món đồ sang trọng ở Mỹ và châu Âu. Theo New York Times, nhà ngoại giao Felipe Benavides của Peru sau khi nghỉ hưu vào năm 1958 đã trở lại quê hương và nhận ra rằng số lượng lạc đà vicuna ở đây chỉ còn dưới 5.000 con, dường như đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Trước tình hình đó, chính phủ Peru đã xây dựng khu bảo tồn lạc đà vicuna đầu tiên mang tên Vườn bảo tồn quốc gia Pampa Galeras rộng khoảng 6.500 ha vào năm 1967, đồng thời đưa ra một loạt chính sách để bảo vệ loài vật này như cấm hoạt động thương mại.