Tên tiếng Anh của Trái Đất là Earth, có nguồn gốc cách đây ít nhất 1.000 năm. Với sự di cư của người Đức đến nước Anh, tiếng Anglo-Saxon đã phát triển. Từ Earth bắt nguồn từ "erda" trong ngôn ngữ này, tương đương với "erde" trong tiếng Đức khi đó, có nghĩa là mặt đất hoặc đất. Trong tiếng Anh cổ, từ này trở thành "eor(th)e" hoặc "ertha".
Trong khi đó, các hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời đều được đặt tên theo vị thần.
Sao Thủy là Mercury trong thần thoại La Mã, tức thần Hermes - vị thần liên lạc và đưa tin trong thần thoại Hy Lạp. Nguyên nhân là sao Thủy có tốc độ chuyển động nhanh nhất trong các hành tinh.
Sao Kim được đặt tên theo Venus (thần sắc đẹp Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp) nhờ vẻ rực rỡ.
Sao Hỏa là Mars (thần chiến tranh Ares trong thần thoại Hy Lạp) do lượng sắt oxit trên bề mặt hành tinh tạo màu đỏ đặc trưng.
Sao Mộc là Jupiter (Zeus trong thần thoại Hy Lạp - chúa tể của các vị thần) nhờ kích thước lớn nhất trong hệ Mặt Trời.
Sao Thổ được đặt theo tên thần Saturn (Cronus trong thần thoại Hy Lạp - cha của thần Zeus).
Sao Thiên Vương được gọi là Uranus - thần của bầu trời. Đây là hành tinh duy nhất được gọi bằng tên trong thần thoại Hy Lạp chứ không phải tên của thần thoại La Mã.
Sao Hải Vương là Neptune (thần biển cả Poseidon trong thần thoại Hy Lạp).
Các hành tinh này được gọi tên trong tiếng Việt dựa theo hệ thống ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), trời (thiên) và biển (hải).
Câu 2: Ánh sáng từ Mặt Trời mất bao lâu để đến Trái Đất?