Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Trịnh Tùng sau khi được phong Bình An vương đã cho xây phủ chúa "quá đỗi thênh thang, bề thế, lộng lẫy với những tòa ngang, dãy dọc sơn son thếp vàng, đèn hoa giăng mắc lung linh".
Quần thể kiến trúc này tập trung phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm, trải dài sang tận phía Đông Nam hồ, kéo sát tới bờ sông Hồng ngày nay. Khu phủ hình vuông với tường thành bao quanh, mở hai cửa ra ngoài là Chính môn phía Nam và Tuyên Vũ môn phía Đông trông ra hồ Hoàn Kiếm. Quanh khu hồ Hoàn Kiếm, chúa Trịnh cho dựng nhiều công trình như Tả Vọng Đình ở trên Gò Rùa (gò đất giữa hồ Hoàn Kiếm), đáng kể nhất là lầu Ngũ Long cao 120m.
"Khu chính phủ chúa là một quần thể lâu đài nguy nga, tráng lệ với 52 công trình lớn. Các tòa dinh thự trong phủ chúa đều được làm 2 tầng, có nhiều cửa lớn nguy nga với khung nhà làm toàn bằng gỗ lim, được sơn son thếp vàng", tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội viết. Tác phẩm Thượng Kinh ký sự nổi tiếng của Lê Hữu Trác cũng nhắc đến quần thể lâu đài tráng lệ cùng vô số hoa thơm, cỏ lạ, chim muông quý hiếm, hồ, suối uốn quanh... ở phủ chúa Trịnh.
Trong những năm họ Trịnh nắm quyền, phủ chúa là nơi diễn ra các cuộc họp triều chính để bàn định việc quốc gia, chỉ khi cần thiết triều hay tiếp sứ mới cần đến vua. Cung điện của nhà vua bị bỏ hoang, cỏ mọc lên thềm, ngập cả đầu gối. Vua Lê do không thực quyền, lại bị chúa Trịnh định lệ cấp bổng lộc, "chỉ được thu thuế 1.000 xã, cấp cho vua 5.000 lính làm quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền rồng", nên không thể làm mới cung điện.
Các chúa Trịnh đời sau do chuyên quyền, sa đọa nên nhà Tây Sơn do anh em Nguyễn Huệ lãnh đạo đã đem quân ra đánh dẹp. Trịnh Bồng, chúa cuối cùng của họ Trịnh do nhu nhược, không điều khiển được công việc, đã để mất ngôi vào năm 1787, chấm dứt sự nghiệp hơn 200 của các chúa Trịnh.
Vua Lê Chiêu Thống (người được nhà Tây Sơn đưa lên ngôi với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh) sau đó đã cho đốt toàn bộ phủ chúa Trịnh. "Đám cháy thiêu trụi 2/3 kinh thành Thăng Long... Cả một quần thể kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, bề thế của các đời chúa Trịnh, sau 10 ngày chìm trong biển lửa, đã tan thành tro bụi", tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội viết.
>>Quay lại