Về tên gọi Tống Bình, đây là tên trị sở của đô hộ phương Bắc thời Tùy và thời Đường. Trước đó, trị sở của chúng ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay). Tới đời Tùy quan lại phong kiến phương Bắc mới chuyển đến Tống Bình.
Về tên gọi Đại La hay Đại La thành, nguyên là tên của vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy kinh đô. Theo kiến trúc xưa, kinh đô thường có “tam trùng thành quách”: trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành.
Năm 866, tướng Cao Biền nhà Đường bồi đắp thêm Đại La thành rộng hơn và vững chãi hơn. Từ đó, thành này được gọi là thành Đại La. Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ năm 1010 có nhắc đến Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền).
Về tên gọi Long Đỗ, truyền thuyết kể rằng, tướng Cao Biền cho quân đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ, là tinh anh của khí thiêng sông núi nơi đây. Do đó, trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời kinh đô về đất An Tôn, phủ Thanh Hóa. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô thị (tức sông Hồng ngày nay), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi”. Điều này cho thấy, Long Đỗ từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ.
Câu 3: Tên gọi Thăng Long xuất hiện hai lần trong những tên chính quy của Hà Nội nhưng lại mang hai ý nghĩa khác nhau. Ai là người gọi Thăng Long với ý nghĩa "thịnh vượng lên"?