Tên không chính quy là những tên trong văn thơ, ca dao, khẩu ngữ, cách nói dân gian… dùng để chỉ thành Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, Hà Nội có rất nhiều tên không chính quy, được sử dụng linh hoạt. Tràng An và Long Biên là hai trong số đó.
Theo sách Địa danh và chủ quyền lãnh thổ, Tràng An (hay Trường An) vốn là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất Trung Quốc là Tiền Hán và Đường. Do đó, tên gọi này được các nhà nho Việt xưa sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô. Tên gọi này cũng được người bình dân sử dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ để chỉ kinh thành Thăng Long. Ví dụ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Chữ Tràng An ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.
Long Biên vốn là nơi quan lại nhà Hán, Ngụy, Tấn, Bắc Triều (thế kỷ III, IV, V, VI) đóng trị sở của Giao Châu (tên nước Việt thời đó). Sau đó, tên gọi này đôi khi cũng được dùng trong thơ văn để chỉ Thăng Long - Hà Nội. Sách Quốc triều đăng khoa lục có đoạn chép về tiểu sử Tam nguyên Trần Bích San, ghi lại bài thơ của vua Tự Đức viếng ông, có hai câu đầu Long Biên tài hướng Phượng Thành hồi/ Triệu đối do hi, vĩnh biệt thôi dịch là Nhớ người vừa từ thành Long Biên về tới Phượng Thành/ Trẫm còn đang hy vọng triệu ngươi vào triều bàn đối, bỗng vĩnh biệt ngay.
Thành Long Biên ở đây, vua Tự Đức dùng để chỉ Hà Nội, bởi bấy giờ Trần Bích San đang lĩnh chức Tuần phủ Hà Nội. Năm 1877, Tự Đức triệu ông về kinh đô Huế để sung chức sứ thần qua nước Pháp, chưa kịp đi thì mất.
Thanh Tâm
>>Tên gọi 'Hà Nội' có từ khi nào?
>>5 câu hỏi về trường đại học đầu tiên của Việt Nam