Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo sử cũ, ông có ngoại hình xấu xí nhưng bù lại rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Vì nhà nghèo, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn, chỉ đứng ngoài nghe lỏm thầy giảng bài.
Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên khi mới hơn 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, vua thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.
Biết ý vua, ông đã làm bài Ngọc tỉnh liên phú để gửi gắm chí khí của mình. Ông lấy hình ảnh hoa sen trong giếng ngọc đề cao phẩm chất và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt, song không muốn a dua với người tầm thường để mong cho đời biết đến. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài rồi cho đậu.
Thời gian đi sứ ở Trung Quốc, nhân có người dâng quạt lên, vua Nguyên đã yêu cầu sứ thần Đại Việt đề thơ về chiếc quạt. Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi ý sắc nét, vua Nguyên xem xong, gật gù khen ngợi rồi đích thân hạ bút phong Lưỡng quốc Trạng Nguyên.
Hiện, đền Long Động thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thờ Mạc Đĩnh Chi. Năm 1992, Nhà nước xếp hạng đây là di tích lịch sử quốc gia.
Ngoài Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Hải Dương còn là quê hương của nhiều danh nhân, như: đại danh y Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài... Trong gần 3.000 tiến sĩ đỗ đại khoa các triều đại, tỉnh Hải Dương đóng góp nhiều nhất với hơn 480. Làng Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương) được gọi là "lò tiến sĩ" khi sản sinh 36 vị đỗ đại khoa.
Câu 3: Hải Dương xưa kia thuộc xứ nào?
a. Xứ Đoài
b. Xứ Đông
c. Xứ Sơn Nam