Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, những người con dân tộc Gia Rai sau khi lập gia đình, việc phấn đấu đầu tiên không phải xây được căn nhà to hay mua được xe đắt tiền mà là chuẩn bị tài sản để làm lễ Tạ ơn cha mẹ mình trước dân làng, người thân quen. Đây là nét đẹp mang đậm tính truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc của cộng đồng.
Để tạ ơn công sinh dưỡng của cha mẹ, những cặp vợ chồng Gia Rai sẽ cố gắng nuôi thật nhiều lợn, gà để giết thịt làm vật cúng. Lễ cúng thường được tổ chức vào tiết nông nhàn, sau lễ mừng lúa mới.
![Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/11/30/le-ta-on-cha-me-nguoi-gia-ra-1258-1543576722.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yFZrMq6N26CjVwUmJiuIeA)
Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.
Vào ngày đã được sự đồng ý của cha mẹ, gia đình người con sẽ mang lễ vật đến, gồm một ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà, lợn, làm nghi lễ cúng. Cha mẹ, con cái lần lượt khấn vái thần linh, ông bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu, cảm tạ họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, hạnh phúc cho gia đình.
Chính tay người con sau đó sẽ làm các món ăn ngon dâng lên cha mẹ mình. Người con mang đến dâng cho mẹ ăn trước và mời mẹ uống rượu cần đầu tiên, rồi đến lượt cha. Trong lúc này, người con nhắc lại thời thơ ấu đã được mẹ nuôi nấng bằng dòng sữa, được cha dạy dỗ, chở che nên người. Mẹ cha nhận lời và cảm ơn con đã biết hiếu thuận, nhớ ơn sinh thành, cầu mong con sẽ không bị đau ốm và làm ăn ngày càng tốt hơn nữa.
"Khi người mẹ nếm rượu cần, xem như đã nhận phần đền đáp của con mình. Rượu được chuyền tiếp tục cho cha rồi đến người con, thông thường con ruột sẽ uống trước rồi sau đó mới đến dâu hoặc rể, bà con thân thuộc và cuối cùng là làng xóm. Cuộc vui kéo dài đến hết ngày hôm sau", tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch viết.
>>Quay lại