Hà Lan nằm ở Tây Âu, giáp Đức về phía đông, Bỉ về phía nam và Biển Bắc về phía tây bắc. Thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất nước này là Amsterdam, song trụ sở Chính phủ đặt tại The Hague (tiếng Việt thường gọi là La Hay).
Dân số Hà Lan tính đến tháng 1/2018 là khoảng 17,2 triệu (theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam). Diện tích nước này là 41.543 km2, trong đó khoảng 7.700 km2 (chiếm 18% diện tích) nằm dưới mực nước biển và chỉ khoảng 50% diện tích quốc gia cao hơn mực nước biển một mét. Đó cũng là lý do Hà Lan được gọi là “Vùng đất thấp” (Netherlands).

Cối xay gió ở làng Kinderdijk. Ảnh: Tourism on the Edge
Với địa hình thấp như vậy, Hà Lan phải đối mặt với các nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng suốt chiều dài lịch sử. Để chống lại lũ lụt, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống thủy lợi như đê biển, trạm bơm...
Cối xay gió cũng đóng vai trò quan trọng trong việc guồng nước đổ ra sông, ra biển nhằm giảm tình trạng ngập lụt. Hàng nghìn chiếc cối xay gió trong quá khứ trở thành biểu tượng cho cuộc chiến của Hà Lan với nước biển. Các công trình cối xay gió còn có vị trí quan trọng trong nhiều hoạt động sinh hoạt của các ngôi làng, gia đình.
Ngày nay, nhiều cối xay gió vẫn còn ở Hà Lan, đặc biệt ở làng Zaanse Schans với những chiếc cối có tuổi đời lên tới 300 năm hay làng cối xay gió Kinderdijk - di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1997. Phần tư liệu đăng tải trên website của UNESCO có đánh giá việc lắp đặt cối xay gió ở làng Kinderdijk là minh chứng cho những đóng góp nổi bật của người dân Hà Lan với công nghệ xử lý nước.
Câu 2: Hà Lan là xứ sở của loài hoa nào?