Piêu là loại khăn đội đầu truyền thống của phụ nữ người Thái, phổ biến nhất là người Thái Đen vùng Tây Bắc. Theo Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam, khăn này thường được các cô gái Thái tự may dệt thủ công từ vải sợi bông, có chiều rộng là một khổ vải, dài hơn sải tay, màu đen hoặc chàm, hai đầu thêu hoa văn gọi là nả piêu (mặt piêu).
Khăn Piêu của người Thái Đen ở Yên Châu (Sơn La). |
Nả piêu được viền bằng vải đỏ và đính các cút piêu hình tròn cuộn bằng các sợi chỉ màu. Hoa văn nả piêu thêu bằng sợi tơ tằm hoặc chỉ màu. Các họa tiết thường thấy gồm: hình răng cưa, quả núi, đường song song, quả trám, hình cây cỏ, côn trùng... Nả piêu của người Thái Đen ở vùng Yên Châu (Sơn La) gồm một lớp hoa văn dày đặc, phủ kín mặt vải. Ngược lại, ở những vùng khác, nả piêu thường có bố cục thoáng, gồm các đường thêu thanh mảnh.
"Người Thái tự hào khi đội một chiếc khăn piêu thêu đẹp. Từ bé gái ở tuổi tới trường cho đến các bà cụ già đều có thể đội piêu. Những dịp đi hội, đi chơi, xuống chợ, họ đội những chiếc piêu mới. Khi đội, một đầu khăn (nả piêu) phủ lên đỉnh đầu rồi trải trùm xuống trán, đầu kia buông thõng ra sau, có khi xuống đến ngang lưng... Piêu là vật làm tin của các đôi trai gái, quà của cô gái biếu gia đình nhà chồng khi về làm dâu. Piêu còn được sử dụng làm tài sản chia cho người quá cố khi về thế giới bên kia", Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam nêu giá trị, ý nghĩa của trang phục này với người Thái.
Năm 1956, nhạc sĩ người Hà Nội - Doãn Nho - tác giả của những ca khúc nổi tiếng như: Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... đã lấy cảm hứng từ chiếc khăn đặc trưng của người dân tộc Thái, sáng tác ca khúc cùng tên và sau này được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công.
Câu 2: Chiếc áo của phụ nữ dân tộc nào có nét đặc trưng là đính những quả len đỏ nổi bật?