Cầu Long Biên 115 tuổi với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kỹ thuật… đã trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội. Là "chứng nhân" của 2 cuộc kháng chiến cứu quốc, chứng kiến nhiều đổi thay, thăng trầm của đất nước, cây cầu đã trở thành di sản trong lòng mỗi người dân thủ đô nói riêng và người Việt Nam nói chung. Các nhà văn hóa, sử học, kiến trúc cho rằng, cầu Long Biên xứng đáng là di sản quốc gia.
Năm 2014, cầu Long Biên lại đứng trước thách thức lớn về bảo tồn khi Bộ Giao thông đưa ra 3 phương án di dời để xây dựng đường sắt đô thị. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội từng cho biết, đây di tích rất có giá trị, ý nghĩa, đã được xếp trong danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống, các biệt thự Pháp, công trình trước năm 1954 cần được bảo tồn do UBND thành phố Hà Nội ban hành tháng 12/2013. Do đó, về mặt pháp lý tuy cầu Long Biên chưa được xếp hạng di sản nhưng đã có tên trong danh sách cần bảo tồn, phát huy giá trị.
Tháng 5/2014, sau đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia với cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý để làm thủ tục xếp hạng.
Tuy nhiên, đến nay cầu vẫn chưa được xếp hạng di tích quốc gia.