Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, Thái tử Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi lên ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà nhất định chối từ.
Ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ hai (tức 7/5/1849), nhân dịp khánh thành Gia Thọ cung, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng và ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng thái hậu, giúp Hoàng đế Tự Đức việc chính sự.
Theo sử cũ, bà rất trọng nhân nghĩa và quý mến hiền tài, cẩn trọng trong mọi việc triều chính nên được nhiều quần thần kính trọng.
Mùa đông năm Tự Đức thứ 11 (Mậu Ngọ 1858), vua Tự Đức đích thân dâng sớ thỉnh cầu cử hành lễ tấn tôn Hoàng thái hậu, bà Từ Dụ từ chối: "Lúa thóc năm nay chưa đặng trúng mùa, dân chưa vui huê lợi".
Bà còn bảo: "Chẳng ngờ ngày nay được tôn cái vinh hạnh này, ta thường lo sợ không rảnh rang để tu tỉnh, huống chi tăng thêm hư danh cho đẹp đẽ thêm nặng cái thất đức của ta sao? Ta chỉ mong các công khanh và bầy tôi hãy cố gắng ở chức vị của mình, phụ giúp chính giáo, khiến ta ngày nay thấy được sự thịnh vượng thái bình thì có cái vui nào bằng như thế".
Dù là Hoàng thái hậu uy thế và quyền lực, bà vẫn một mực từ tốn với mọi người, cần kiệm trong tiêu xài, không hoang phí. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. "Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ".
Câu 4: Năm 1859, Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Bà Từ Dụ đã sắp xếp cuộc hôn nhân giữa người chị em con cô cậu Trần Thị Sanh với thủ lĩnh nghĩa quân nào, nhằm giúp ông có lương thực và nhân lực cho cuộc chiến?