Bà Từ Dụ am tường kinh sử, chịu khó đọc sách kinh. Bà từng dạy vua Tự Đức rằng người có học mới phân biệt được thiện ác, lấy thiện làm gương, ác để ngăn ngừa mới có thể biến hóa khí chất không theo đường tà.
Suốt 36 năm ở ngôi vua, hầu như mọi vấn đề quan trọng về triều chính, Tự Đức luôn hỏi ý kiến mẹ. Ông tự đặt ra thông lệ, hàng tháng ngày chẵn thiết triều, ngày lẻ vào thăm mẹ.
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim đã chép về chuyện này như sau: "Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài (vua Tự Đức) biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục.
Một hôm rảnh việc nước, ngài ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kỵ đức Hiến Tổ, mà ngài ngự chưa về.
Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến.
Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả.
Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ".