Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y.
Ông làm thơ từ năm lên tám, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý. Ngoài ra, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.

Nhà thơ Hoàng Cầm (phải) và nhà văn Kim Lân năm 2003. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá diêu bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...
Từ năm 1993, thơ ông được in nhiều và liên tục được tái bản do nhu cầu tìm đọc của công chúng. Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.