Tiếp nối sự nghiệp cai quản đất nước, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, thay thế chế độ của nhà Đường.
Về hành chính, ông đặt ra các lộ - phủ - châu - giáp - xã, thay cho thế đơn vị hành chính trước đây là châu, huyện, châu cơ mi ở miền núi, hương và xã. Nhằm khắc phục tình trạng phân tán quyền lực vào tay các thủ lĩnh địa phương, Khúc Hạo đã xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ trung ương đến xã.
Ở mỗi xã, ông cho đặt có một Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng, mỗi giáp đặt một Quản giáp và Phó tri giáp để giữ việc đánh thuế. Riêng Giáp trưởng được giao trông coi lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán của người khai, để quản lý được hộ khẩu. Chính quyền Khúc Hạo thực hiện "bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch... Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui".
Theo sách Lịch sử Việt Nam (2017), thay đổi lớn nhất trong cải cách hành chính của họ Khúc là nắm chính quyền đến tận cấp làng xã. Trong suốt thời Bắc thuộc, chính quyền phương Bắc chỉ cai quản được đến cấp huyện, làng xã vẫn là khu vực tự trị của người Việt, chỉ chịu sự cai trị gián tiếp của chính quyền đô hộ.
"Làng xã của người Việt vẫn tồn tại kiên cường... Chính từ làng mà nhân dân ta đã giành được đất nước. Họ Khúc là đại diện cho những Hào tộc bản địa, tầng lớp lãnh đạo mới của dân Việt, giành lấy quyền quản lý đất nước, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc", sách viết.
Về kinh tế, chính quyền Khúc Hạo thực hiện chính sách "bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch". Trước kia, triều đình phương Bắc mặc sức vơ vét của dân, thu nhiều loại thuế, đánh thuế nặng nên nhân dân căm phẫn. Nay họ Khúc thực hiện chế độ ruộng đất là công hữu, phân chia cho các hộ canh tác và đánh thuế một cách bình quân theo diện tích đất các hộ được phân chia.
Lực dịch trước đây là một thứ khổ sai triều đình phương Bắc áp dụng khi bắt dân đi mò trai lấy ngọc, săn voi lấy ngà… đã được Khúc Hạo tha bỏ, cùng thuế đinh. "Đó là một sự cởi trói cho dân, có tác dụng to lớn đến việc thu phục nhân dân ổn định xã hội", cố GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện sử học Việt Nam từng đánh giá.
Cuộc cải cách của họ Khúc đã tạo cơ sở kinh tế, xã hội vững chắc cho nền độc lập, tự chủ của người Việt sau này.
Câu 4: Nhà Hậu Lương sau khi lật đổ nhà Đường ở phương Bắc, đã ứng xử như thế nào với chính quyền của họ Khúc?
a. Công nhận lâu dài nền tự chủ của chính quyền họ Khúc
b. Ngay lập tức cho quân tái chiếm
c. Vừa công nhận, vừa âm thầm cho quân chiếm lại chính quyền