Trần Thủ Độ sinh năm 1194 ở làng Lưu Xá phủ Long Hưng, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sử sách không ghi danh tính cha mẹ ông, chỉ biết Trần Thủ Độ mồ côi từ bé, phải lam lũ tìm kế sinh nhai nên ít được học hành.
Theo cuốn Trần Thủ Độ - Con người và sự nghiệp của Viện Sử học Việt Nam, Trần Thủ Độ gia nhập hương binh khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 21 tuổi, ông được giao chỉ huy đội thủy binh dưới trướng của người anh họ Trần Tự Khánh - quan của triều Lý. 30 tuổi, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, toàn quyền nắm giữ quân đội trong ngoài thành.
Dưới thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224), giặc dã nổi lên như ong, nguy cơ cát cứ đang thành hiện thực. Trần Thủ Độ cùng nhiều danh tướng họ Trần xả thân dẹp loạn để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, triều Lý không thể tìm được minh quân để tiếp tục duy trì triều chính, vua Lý Huệ Tông lại mắc bệnh.
Trước tình thế ấy, Trần Thủ Độ đã ép vua Lý nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thánh khi mới 6 tuổi, lấy hiệu là Chiêu Hoàng. Ông sau đó sắp xếp cho cháu trai là Trần Cảnh lấy nữ vương Lý Chiêu Hoàng. Dưới sự điều phối của Trần Thủ Độ, năm 1225, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Giang sơn Đại Việt từ đó về tay họ Trần với vị vua đầu tiên Trần Thái Tông.
"Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được người đời suy tôn. Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Câu 2: Đâu là câu nói nổi tiếng của Trần Thủ Độ thể hiện ý chí quyết tâm chống giặc Nguyên - Mông trong kháng chiến lần thứ nhất?