Ngày 6/4, thảo luận nhóm về giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị gặp gỡ trí thức kiều bào của UBND TP HCM, nhiều đại biểu đã hiến kế cải thiện giáo dục đại học của Việt Nam.
TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Hàn Quốc cho rằng, nhìn tổng thể một cách khách quan, trình độ học sinh ở bậc phổ thông trong nước không thua kém các nước khác, song đến bậc đại học thì nảy sinh nhiều vấn đề.
Ông Linh chỉ ra thực tế đại học đang được đào tạo tràn lan, tình trạng thất nghiệp không có dấu hiệu giảm sút, tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Người tốt nghiệp đại học tại Việt Nam phần nhiều còn thua kém so với nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm sống và làm việc ở Hàn Quốc, ông Linh cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm văn hóa, lịch sử tương đồng, có thể học hỏi trao đổi về mặt giáo dục.
Giáo dục đại học Hàn Quốc hiện chia ra làm hai nhóm: đại học nghiên cứu, chỉ tập trung ở một số trường mạnh, tạo ra sản phẩm để ứng dụng và nhóm đại học tạo nghề tập trung ở những chuyên ngành đặc thù mà xã hội cần, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. "TP HCM cần tập trung chương trình đào tạo trọng điểm mà xã hội đang cần, có sự phân loại rõ ràng ngành nào cần 'đi tắt đón đầu', ngành nào chiến lược lâu dài để có sự đầu tư phù hợp", ông Linh đề xuất.
Đại biểu này cũng cho rằng con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là tự chủ đại học, từ tuyển sinh, chọn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu giảng dạy, tài chính. Ông dẫn chứng ở Hàn Quốc, các trường đại học mạnh không phải là các đại học quốc gia mà chính là các trường tư thục, phía sau có các tập đoàn lớn. Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải chính mình.
"Trong vấn đề tự chủ cũng cần ai là người làm chủ? Người ta thường hiểu đó là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất trong trường - chính là hiệu trưởng. Ở Hàn Quốc, hiệu trưởng thường được tuyển lựa rất gắt gao và dựa trên rất nhiều yếu tố đánh giá khác nhau", ông nói.
Tiến sĩ Linh đề xuất TP HCM cần học tập mô hình mang tên Brain Korea 21 của Hàn Quốc được phát triển từ cuối những năm 1990. Chương trình này phát triển các đại học nghiên cứu cạnh tranh trên toàn cầu, đưa ra các chương trình sau đại học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nghiên cứu. Chương trình còn cung cấp, tài trợ học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh.
Cùng chủ đề giáo dục, ông Phan Ty (Kỹ sư ở Anh) nhận xét sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài thường rất giỏi nhưng ít chịu về nước để làm việc. Nguyên nhân là khi làm việc tại quê hương họ khó kiếm được thu nhập cao nhằm hoàn lại vốn đã bỏ ra cho du học trước đó.
"Thành phố cần tạo môi trường làm việc và đãi ngộ tốt cho nhân tài. Các đại học cũng nên thay đổi, tạo được những sự đột phá cho người học từ môi trường học, hệ thống hỗ trợ tài chính", ông cho biết.
Trong khi đó, PGS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) khẳng định cần "bài binh bố trận" lại hệ thống trường đại học theo hướng đại học đa lĩnh vực. Hiện, Việt Nam có quá nhiều trường đại học quy mô nhỏ, chỉ tương đương cấp khoa.
Bước vào hội nghị chung với chủ đề Giải pháp xây dựng TP HCM trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính khu vực, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự vui mừng chào đón những ý tưởng của kiều bào trong lĩnh vực này. Ông cho biết, kế hoạch và tham vọng của thành phố là trở thành đô thị thông minh sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực.
"Một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, mà còn là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố", ông Phong nói.
Chủ tịch TP HCM cho biết thành phố đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua và hiện xây dựng nhiều kế hoạch phát triển bài bản hơn. Trước mắt, TP HCM phải trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Góp ý về vấn đề này, ông Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) cho rằng TP HCM cần thoát khỏi việc chạy theo Bangkok, Singapore mà cần tạo ra thương hiệu đô thị sáng tạo riêng. Đặc trưng của TP HCM có thể là thân thiện, tử tế và tích cực.