Để giúp người học phát triển một cách cân đối, hài hòa thì nhiều khi phải hy sinh cái lôgic bộ môn của một môn khoa học. Bởi vì, cái lôgic cần tôn trọng là cái chỉnh thể của khoa học, mỗi môn học mà con người phân ra chỉ là một bộ phận cấu thành của cái chỉnh thể ấy. Chương trình giáo dục phổ thông phải dựa trên thành tựu của các khoa học chuyên ngành, nhưng phải thiết kế lại thành các môn học trong nhà trường để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất nhằm giúp học sinh có được những năng lực cốt lõi và phẩm chất quan trọng mà hệ thống giáo dục kỳ vọng.
Dự thảo kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: Sống yêu thương, Sống tự chủ và Sống trách nhiệm. Các năng lực chung chủ yếu mà dự thảo kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển cho học sinh là: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Dựa vào các phẩm chất và năng lực được kỳ vọng này, dự thảo đưa ra 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và Văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.
Nhìn vào các nội dung này, chúng ta sẽ thấy ngay rằng kiến thức nào (chứ không phải môn học) giúp đạt được mục đích giáo dục thì dù khó mấy cũng bắt buộc phải đưa vào. Và để phù hợp với thời lượng cũng như tâm, sinh lý của học sinh, thì rất cần phải mạnh dạn đưa những kiến thức chuyên sâu lên các bậc giáo dục cao hơn!
Dự thảo chia giáo dục phổ thông thành 2 giai đoạn: Cơ bản và Định hướng nghề. Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến hết lớp 9, thực hiện tích hợp mạnh. Không còn các môn học truyền thống: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ba môn học này được tích hợp thành môn học bắt buộc với tên là Khoa học Tự nhiên. Lịch sử và Địa lý cùng một số nội dung cần thiết khác được tích hợp thành môn học bắt buộc là Khoa học Xã hội. Hơn nữa, do giáo dục lịch sử góp phần không nhỏ vào việc hình thành các phẩm chất mà tổ quốc cần ở mỗi công dân của mình nên giáo dục lịch sử còn được tích hợp trong môn học bắt buộc là Giáo dục công dân.
Như vậy, ở giai đoạn giáo dục này, không còn các môn học riêng rẽ, biệt lập với nhau. Thay vào đó là nội dung tích hợp kiến thức và kỹ năng nhằm giúp học sinh phát triển hài hòa. Bởi vì mục đích giáo dục là phẩm chất, kỹ năng, là năng lực, chứ đâu phải là môn học!
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, thay vì tích hợp, sự phân hóa được thực hiện mạnh dần. Mục đích là giúp học sinh định hướng nghề phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân. Trong giai đoạn này, học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập, phù hợp với năng lực và định hướng nghề sẽ chọn sau này.
Nguyễn Văn Khánh
Đại học Sư phạm Hà Nội