Ngày 20/1, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017 cả nước có hơn 397.000 giáo viên cấp tiểu học, so với tổng nhu cầu giáo viên cấp này cho chương trình mới là thừa khoảng 4.000- 9.000.
Tuy nhiên, ở một số bộ môn nhất là tiếng Anh và Tin học, giáo viên lại thiếu. Hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô mỗi môn.
"Các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng giáo viên cần tuyển theo nhu cầu từng năm, ưu tiên tuyển giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh, Tin học; hạn chế hoặc không tuyển giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục vì các môn này giáo viên tiểu học đã được đào tạo", đại diện Bộ Giáo dục khuyến nghị.
Ở cấp THCS, giáo viên hiện thừa khá nhiều so với nhu cầu nhân lực. Năm học 2020-2012, đội ngũ này dư hơn 6.200 người, các năm học tiếp theo thừa 12.000 đến hơn 21.000. Bộ Giáo dục cho rằng khoảng 3 năm tới các địa phương đang thừa giáo viên có thể dừng tuyển mới và cần sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các trường để đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu môn học.
Cấp THPT với hơn 150.000 thầy cô hiện nay, cả nước sẽ thừa khoảng 8.870 người khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, do bậc học này có bổ sung môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật nên từ nay đến năm triển khai chương trình, các địa phương sẽ ưu tiêu tuyển khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn.
Giáo viên được dạy đại trà qua Internet
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh cho biết, có hai hình thức bồi dưỡng giáo viên cho chương trình là đại trà và cốt cán. Bồi dưỡng giáo viên cốt cán sẽ thực hiện theo hình thức tập trung, trong 8 ngày. Mỗi tỉnh thành chọn ra 2 giáo viên mỗi môn để tham gia khoá học. Sau đó, đội ngũ này sẽ cùng thực hiện việc bồi dưỡng đại trà cho phần lớn giáo viên còn lại.
Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), 2 giáo viên cốt cán mỗi môn là quá ít cho đội ngũ hơn 100.000 giáo viên của thành phố. Ông đề xuất tăng thêm và được phản hồi "sẽ xem xét lại".
Khác với hiện nay mỗi giáo viên chỉ dạy một hoặc một số ít khối lớp trong suốt thời gian công tác, giáo viên cốt cán của chương trình mới sẽ dạy học sinh dạy từ lớp 1 đến 5. Cục trưởng Hoàng Đức Minh cho rằng, đây là cách làm hợp lý nhất bởi giáo viên chưa được bồi dưỡng sẽ gặp nhiều lúng túng khi dạy theo chương trình mới. Ông khuyến nghị không chọn giáo viên lớn tuổi vào đội ngũ cốt cán.
Từ năm 2019, việc bồi dưỡng giáo viên đại trà sẽ được triển khai cho lớp 1, năm 2020 là lớp 2 và 6; lần lượt như thế đến năm 2023 là hai lớp cuối 5, 12. Theo ông Minh, hình thức đào tạo chủ yếu là qua mạng Internet, thông qua các bài giảng online của thầy cô viết chương trình.
Đối với giáo viên dạy môn tích hợp, từ năm 2018 Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng để có thể dạy phủ sang môn khác chuyên môn đào tạo ở đại học. "Mỗi thầy cô sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) cho môn không phải chuyên môn. Ví dụ giáo viên Địa lý học thêm 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại", ông Minh nói.
Sĩ số 35 học sinh/lớp mới đáp ứng được chương trình mới
Cục phó Cơ sở vật chất và thiết bị trường học Phạm Hùng Anh cho biết, để đáp ứng được chương trình mới, nhất thiết sĩ số mỗi lớp phải đạt 35 học sinh. So với tình hình hiện nay, nhu cầu phòng học cấp tiểu học sẽ tăng lên nhiều. Bậc học này đồng thời phải trang bị thêm các phòng máy tính lớp 3-5 để phục vụ học môn Tin học. Cấp THCS và THPT phải chú trọng đầu tư thêm phòng bộ môn.
Nhiều đại biểu đến từ các phòng giáo dục, nhà trường bày tỏ lo lắng về điều kiện cơ sở vật chất. Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất, Phú Xuyên, Thanh Oai... cho biết, hiện nhiều trường không đủ phòng học cho dạy 2 buổi mỗi ngày, thiếu phòng bộ môn, sĩ số lớp luôn vượt quy định, dao động 40-60 học sinh.
"Chương trình hiện này đòi hỏi ít hơn về cơ sở vật chất trường còn chưa đáp ứng được thì với chương trình mới, chúng tôi không biết phải xoay sở như thế nào", Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) Nguyễn Hà Thanh nói.
Cục phó Phạm Hùng Anh phải trấn an rằng, việc bổ sung điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu sẽ rải đều đến năm 2023. Chương trình mới cũng được thiết kế để tận dụng tối đa cơ sở hiện có và không gây tăng đột biến. "Hiện nay tỷ lệ lớp/phòng học của phần lớn trường ở cấp THCS và THPT đạt 0,8-1, đây là thuận lợi để chuyển phòng học thành phòng bộ môn", ông Anh gợi ý.
Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 20 môn của chương trình lần này phần lớn hướng đến phương pháp dạy học tích cực, chú trọng thực hành, thí nghiệm và đề ra nhiều yêu cầu về điều kiện phòng học, trang thiết bị vật chất. Dự kiến tháng 4/2018, chương trình các môn học sẽ được chính thức công bố để sau đó các đơn vị bắt đầu viết sách giáo khoa. Muộn nhất năm học 2020-2021 học sinh tiểu học sẽ học chương trình mới. Từ năm học 2021-2022 là THCS và 2022-2023 là THPT. |