Kỳ thi đại học (gaokao) ở Trung Quốc luôn được thế giới xem là thử thách lớn nhất đối với học sinh. Bài viết được chia sẻ trên The Guardian về lịch sử và những góc khuất của kỳ thi này.
Tính chất sống còn dẫn đến gian lận thi cử
Trong hai ngày đầu tháng 6 hàng năm, cả Trung Quốc như ngừng lại khi học sinh cuối cấp trung học bước vào kỳ thi gaokao quan trọng nhất trong cuộc đời. Gaokao là sự kiện quốc gia, ngang tầm với ngày nghỉ lễ, tuy nhiên ít vui vẻ hơn nhiều. Các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh, cảnh sát đi tuần tra để giữ cho đường phố yên tĩnh.
Người dẫn chương trình radio thảo luận về kết cấu bài thi và câu hỏi chi tiết. Khi kết quả được công bố, những người điểm cao nhất được chúc mừng trên toàn quốc. Điểm số trong kỳ thi gaokao quyết định cơ hội sống và khả năng kiếm tiền, do vậy đây là con số quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ Trung Quốc. Suốt những năm tháng đến trường, nhiều học sinh chăm chỉ học thuộc lòng và luôn trong tình trạng căng thẳng.
Trước cổng trường, dưới cái nắng gay gắt mùa hè, phụ huynh chen chúc, xô đẩy để tìm chỗ đứng ngay trước hàng rào sắt, cố nhìn vào bên trong và đợi con mình bước ra. Ôtô đỗ kín khắp các con đường dẫn đến cổng trường. Sĩ quan cảnh sát thành phố kiên nhẫn giải thích với người đi đường vật lộn tìm không gian trống. Đó là cảnh tượng quen thuộc hàng năm trong mùa thi gaokao ở Trung Quốc.
Sau 5h chiều, khi kỳ thi kết thúc, học sinh bước ra khỏi phòng thi. Một số nhận được bó hoa từ bố mẹ, một số được bố vội vàng chụp kiểu ảnh bằng điện thoại để lưu lại khoảnh khắc quan trọng này, còn mẹ ngay lập tức hỏi han với vẻ bồn chồn: "Đề khó không?".
Với ý nghĩa sống còn từ cuộc thi gaokao, gian lận là một vấn đề lớn. Camera, thiết bị phát thanh, tai nghe để truyền câu hỏi và câu trả lời được tìm thấy trong các vật dụng cá nhân của thí sinh như trang sức, kính, ví, bút, thước kẻ và đồ lót. Hầu hết phòng thi có gắn camera và sử dụng máy dò kim loại.
Năm ngoái, cảnh sát đã phá một tổ chức gian lận thi cử ở tỉnh Giang Tây, cung cấp dịch vụ thuê người thi chuyên nghiệp giả dạng thí sinh với mức giá lên đến một triệu nhân dân tệ. Ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, hội đồng thi sử dụng máy bay không người lái để quét tín hiệu vô tuyến được gửi từ trong ra ngoài. Vân tay và mống mắt được sử dụng để xác minh danh tính thí sinh. Đề thi được bảo vệ hộ tống đưa đến trường và giám sát bằng hệ thống GPS, trong khi những giám khảo ra đề được giữ lại, kiểm soát chặt chẽ để tránh lộ đề. Năm nay, theo các quy định mới, gian lận thi cử có thể bị kết án lên đến 7 năm tù.
Áp lực đến chủ yếu từ bố mẹ và thầy cô giáo
Yuan Qi, 18 tuổi, học sinh ở Bắc Kinh cho biết lần đầu tiên được nghe nhắc tới gaokao là từ giáo viên tiểu học. Từ gaokao được nhắc đến thường xuyên ở trường, trên bàn ăn tối như một động lực để học sinh cố gắng. Cạnh tranh vào đại học ở nước nào cũng khốc liệt, ở Trung Quốc khó khăn gấp bội. Những đại học hàng đầu có thể chọn chỉ một trên 50.000 thí sinh. Tỷ lệ thất nghiệp sau đại học là khoảng 16%. Chỉ cần vào đại học, sinh viên gần như nắm chắc triển vọng nghề nghiệp và thậm chí hôn nhân.
Để sẵn sàng cho kỳ thi vào tháng 6, Yuan Qi chỉ ngủ 6 đến 7 tiếng mỗi đêm kể từ tháng 3. Cậu nhồi nhét kiến thức 12 tiếng mỗi ngày hàng tháng trời trước kỳ thi, học thêm chăm chỉ vào cuối tuần, dành rất nhiều thời gian làm bài thi thử. Trước đó, bố Yuan tìm đủ cách để chuyển cậu từ quê (tỉnh Hà Bắc) đến trường trung học ở Bắc Kinh, tin rằng đây là bước gần hơn để đảm bảo tương lai trong trường đại học mơ ước.
Gaokao là biểu tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc. Tuy nhiên, kỳ thi bị chỉ trích vì gây áp lực lớn lên trẻ em. Một số lượng lớn gia đình khá giả cho con đi du học, một phần vì không hài lòng với kỳ thi này. Nhưng cuối cùng đa số nhận ra không có sự thay thế thích hợp cho gaokao. "Trung Quốc có quá nhiều người", đây là điệp khúc phổ biến để bào chữa cho tất cả mọi thứ từ giao thông đô thị đến nông thôn nghèo, và một lần nữa được sử dụng khi nói về cuộc cạnh tranh khốc liệt cho nguồn tài nguyên giáo dục hữu hạn.
Truyền thống để kỳ thi quyết định tương lai một con người đã có từ thời cổ đại ở Trung Quốc, từ kỳ thi keju tuyển quan chức triều đình vào thế kỷ 7 ở triều đại nhà Hán. Các ứng viên bị khóa trong phòng kín suốt 3 ngày, vừa làm bài thi vừa ăn ngủ trong đó. Với tỷ lệ đỗ 1%, thần kinh căng thẳng là dễ hiểu. Thậm chí còn có một thần ma gắn liền với các kỳ thi ở Trung Quốc - Zhong Kui, người tự sát ngay sau khi bị từ chối lần thi đầu tiên.
Gaokao thường được so sánh với kỳ thi keju. Ra đời năm 1952 dưới thời chính phủ cộng sản mới, gaokao bị ngưng hoạt động trong cuộc cách mạng văn hóa. Hầu hết trường đại học đóng cửa, các vị trí hiếm hoi trong trường đại học được phân theo chính trị chứ không nhờ khả năng học tập. Chỉ đến năm 1977, một năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời, gaokao được tổ chức trở lại với hình thức mới hơn. 5,7 triệu người đã ghi danh với chỉ 22.000 suất vào đại học. Kể từ năm 1978, gaokao được tổ chức thường niên vào mùa hè.
Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất là bài luận.
Áp lực lớn nhất đến chủ yếu từ bố mẹ và thầy cô giáo. Tất nhiên, mỗi người đều có thể thi lại vào năm sau, nhưng thí sinh sẽ gặp khủng hoảng nếu tiếp tục thất bại. Các vụ tự tử trong mùa thi không còn xa lạ. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy kỳ thi căng thẳng là yếu tố chính trong 93% trường hợp học sinh tự tử. Năm ngoái, một trường trung học ở Hà Bắc làm hàng rào tầng trên ban công ký túc xá sau khi hai học sinh nhảy lầu thời điểm sắp tới kỳ thi gaokao.
Căng thẳng học tập có thể bắt đầu từ rất sớm, điều này được chứng minh khi một cậu bé 10 tuổi tự tử sau cuộc chiến với mẹ về bài tập về nhà. Tuy nhiên, đa số học sinh Trung Quốc không phàn nàn về khối lượng công việc của mình bởi đây đã trở thành điều bình thường.
Gaokao - chiếc cầu nhỏ hẹp không dành cho tất cả
Lối vào đại học là chiếc cầu nhỏ hẹp mà mọi người phải đi bộ một cách khó khăn để vượt qua. Một số người có đôi giày tốt hơn người khác. Gia đình giàu có tốn nhiều tiền thuê gia sư cho con ôn thi đại học. Học sinh ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải được chính quyền hỗ trợ điều kiện giáo dục tốt nhất. Nhiều phụ huynh và học sinh kiến nghị tiếng Anh nên trở thành môn tự chọn bởi điều kiện học tập thiếu thốn là một trở ngại lớn. "Điểm số liên quan chặt chẽ với tình trạng kinh tế xã hội", Trey Menefee, giảng viên Viện giáo dục Hong Kong cho biết.
Từ đầu những năm 2000, các tỉnh được phép ra đề thi riêng biệt. Năm nay, những trường đại học tốp đầu đã thử nghiệm phỏng vấn thí sinh. Những người gây ấn tượng sẽ được cộng thêm điểm. Trong khi đó, một số thay đổi nhỏ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Hồi tháng 5, chính phủ công bố 80.000 chỉ tiêu vào trường đại học ở tỉnh Giang Tô và Hồ Bắc sẽ dành cho sinh viên đến từ khu vực nghèo với nỗ lực giải quyết bất bình đẳng giáo dục. Tuy nhiên, phụ huynh tầng lớp trung lưu ở 6 thành phố đã biểu tình phản đối, lo sợ điều này khiến con cái họ thua thiệt.
Không phải tất cả học sinh Trung Quốc đều đặt cược số mệnh vào kỳ thi gaokao. Mặc dù hơn 9 triệu người tham gia kỳ thi này mỗi năm, con số này đang giảm dần. Đó là nhờ sự gia tăng các khóa học nghề, đảm bảo triển vọng việc làm tốt hơn sau khi tốt nghiệp. Nhiều học sinh có xu hướng ra nước ngoài du học. Hiện có 300.000 sinh viên Trung Quốc ở Mỹ và 90.000 sinh viên ở Anh.
Một người bạn cùng lớp của Yuan, Jiang Xinye cũng tham gia cuộc di cư. Thay vì thi gaokao, Xinye thi TOEFL, SAT và giành được vị trí ở một trường tư tại Massachusetts, Mỹ. Cô tin rằng con đường mình lựa chọn là đúng đắn, bởi trường học ở Trung Quốc chỉ dạy cách vượt qua kỳ thi gaokao, học sinh phải tự giải quyết các vấn đề của mình. "Giáo viên chỉ cho bạn biết câu trả lời đúng, và từ chối nghe ý kiến khác biệt", cô nói. Jiang Xinye đóng gói lên đường đi Mỹ khi bạn bè đang trong phòng thi.
Kết quả gaokao đến với Yuan không như mong đợi. Cậu đạt 664 điểm, xếp hạng 1.020 trên 61.222 thí sinh ở Bắc Kinh, vẫn là một điểm tốt nhưng thấp hơn nhiều so với dự kiến của bố mẹ. Chỉ có 500 người đầu tiên chắc chắn giành được vị trí vào Đại học Bắc Kinh khi số lượng thường được là 680. Ngay cả khi nằm trong tốp đầu, được nhận vào đại học chuyên về hàng không sau đó, điểm số của Yuan vẫn là nỗi thất vọng. Yuan đã thất bại theo định nghĩa hẹp về thành công. "Tôi không quá buồn, nhưng tôi cảm thấy bố mẹ là những người thất vọng nhất. Nếu không có họ, nếu không được đặt kỳ vọng quá cao từ khi còn nhỏ, có lẽ tôi sẽ cảm thấy khá hơn", cậu nói.
Phiêu Linh