Kết thúc buổi dạy sáng thứ sáu lúc 11h trưa, thầy Sĩ Đức Quang trở về phòng học tầng 1 tòa nhà khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội, để trao đổi với nghiên cứu sinh. Dáng người cao, chiếc sơ mi kẻ được sơ vin gọn gàng, vai đeo chiếc balô nhỏ màu xám, thầy bước nhanh qua các dãy nhà. Chốc chốc gặp người quen, thầy lại nhận được lời chúc mừng vì là người trẻ nhất trong danh sách 75 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm nay.
"Từ hôm Hội đồng Giáo sư nhà nước công khai danh sách, nhiều người chia vui với tôi. Tôi cũng rất vui, tự hào, nhưng không bất ngờ vì đã chuẩn bị trong nhiều năm và chỉ nộp hồ sơ khi cảm thấy đáp ứng đủ tiêu chuẩn", thầy Quang nói.
Là con út trong gia đình năm anh chị em ở vùng quê Thuận Thành (Bắc Ninh), Sĩ Đức Quang là người duy nhất không phải bỏ học giữa chừng nên quyết tâm học hành đến nơi đến chốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, Quang luôn nằm trong số học sinh học tốt nhất lớp, được vào lớp chọn hồi lớp 5. Thế nhưng khi ở trong môi trường toàn các bạn giỏi, Quang lại trở nên bình thường, chỉ cố gắng học đều các môn và chú tâm hơn vào Toán và Tiếng Việt.
Đến lớp 6, trong một buổi học, cô giáo cho cả lớp làm bài toán tính nhẩm tổng các số trong dãy số. Quang làm nhanh nhất lớp, được cô giáo hết lời khen ngợi. Niềm vui đến giữa lúc đang là học sinh không có gì nổi bật khiến Quang có động lực và trở nên yêu Toán hơn.
Bấy giờ, khối THCS cũng có trường chuyên cấp huyện, Quang được gọi vào lớp chuyên Toán, nhưng gia đình phải chuyển lên thị xã Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Học trường THCS Sông Đà ở thị xã, Quang luôn đứng nhất lớp, giỏi đều các môn. Mỗi lần có kỳ thi, được cô giáo giao đề cương, 5-6 đứa bạn thân trong xóm tụ tập làm, Quang giữ vai trò hướng dẫn. Trường có hai đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp là Toán và Văn, Quang được cả hai cô giáo gọi vào.
Vì yêu Toán, Quang chọn vào đội tuyển môn này. Nhưng đúng ngày thi, nam sinh đến muộn. Trong lúc chạy tìm phòng thi ở khu nhà hiệu bộ, cô giáo Văn nói môn Toán đã thi được 30 phút, dù vào thi cũng khó đỗ nên khuyên làm bài môn Văn. Mong muốn được thi học sinh giỏi cấp thị xã nên Quang nghe theo.
Trúng vào đội tuyển Văn của trường, ba năm liền Quang thi học sinh giỏi cấp thị xã nhưng đều không đoạt giải. Nghĩ không có duyên, nam sinh quyết định thi chuyên Toán vào trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ. Chỉ có một tháng ôn luyện, trong khi những bạn xác định thi chuyên đã ôn cả mấy năm THCS, không nhiều người nghĩ Quang đỗ.
Lớp chuyên Toán lấy 25 suất chính thức thì 9 bạn được tuyển thẳng nhờ đạt giải cao ở các cuộc thi học sinh giỏi, Quang phải cạnh tranh để có tên trong 16 suất còn lại. Không đủ điểm, nam sinh vào danh sách 5 suất dự bị, học cùng lớp chuyên Toán với cam kết sau học kỳ đầu, nếu không đạt yêu cầu sẽ phải chuyển sang lớp khác.
Năm đầu tiên, Quang kém hơn các bạn rất nhiều do chưa từng tiếp xúc với kiến thức nâng cao ngoài cuốn sách Toán thời THCS. Cả học kỳ, các bạn biết 10 chỉ phải học một còn Quang thì biết một và phải học 10. Cứ học xong bài tất cả môn trên lớp, Quang lại mượn sách vở của các bạn để tập trung học Toán.
Những bạn giỏi trong lớp được học đội tuyển, những bạn khác có nhu cầu cũng được tham gia học cùng, nhưng phải đóng học phí như một dạng học thêm. Quang quyết không học, phần để đỡ chi phí cho bố mẹ, phần vì muốn nắm chắc kiến thức cơ bản trước. Đến kỳ 2 lớp 10, Quang đuổi kịp các bạn, hết lớp 10 thì nắm hết phần cơ bản của chương trình lớp 12, đủ làm đề thi đại học.
Cậu bạn thân có anh trai học trên một khóa, nằm trong đội tuyển Toán, sưu tầm được nhiều tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Quang hỏi mượn để tự học. Hồi đó không có Internet, cũng không có bất kỳ tài liệu nào ngoài kiến thức được thầy cô ở trường cung cấp nên khi được tiếp cận với những cuốn tạp chí này, Quang rất thích, dành thời gian đọc và làm các bài toán trong đó.
Kiến thức được nâng lên, Quang được thầy chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 11, nhưng từ chối vì không tự tin. Nam sinh chia các bài toán trong tạp chí thành nhiều chuyên đề, ghi vào sổ tay, coi như tự tạo chương trình ôn thi cho chính mình. Kết quả, năm lớp 12 Quang đạt giải nhì quốc gia môn Toán, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội.
Với Quang, những cuốn tạp chí về Toán như mở ra con đường nghiên cứu Toán học sau này. Hồi lớp 12, Quang đọc bài toán của anh Lê Quang Nẫm, người giành huy chương vàng Toán châu Á - Thái Bình Dương năm 1997, và biết được thế nào là "cận trên đúng" và "cận dưới đúng" - hai khái niệm không được học ở trường phổ thông. Quang đã dùng trong bài thi học sinh giỏi quốc gia.
Xác định theo con đường nghiên cứu ngay từ năm nhất đại học, chàng trai quê Bắc Ninh không nghĩ gì đến những khó khăn hay việc có thể làm giàu hay không, chỉ đơn giản là thích học. Vào lớp Sư phạm Toán chất lượng cao, Quang được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới lạ như những bài giảng về Topo đại cương của thầy Đỗ Đức Thái.
Cuối năm nhất, thầy Thái tập hợp sinh viên tốt nhất để tổ chức seminar (hội thảo). Lần đầu tham dự, Quang được nghe báo cáo đầu tiên từ anh Vũ Viết Anh, sinh viên năm hai, người từng giành huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) năm 1998, về đa tạp khả vi, đối tượng thuộc chuyên ngành Hình học. Sau bốn buổi, Quang thấy đó là đối tượng "vô cùng đẹp đẽ" mà trước đó chưa từng gặp nên quyết định đi sâu vào chuyên ngành Hình học.
Đến năm bốn đại học, Quang được thầy Thái giao cho bài toán để nghiên cứu. Hồi đó, thầy giao cho 4-5 quyển sách Toán tiếng Anh, yêu cầu đọc trong khoảng một học kỳ. Quang đọc bằng hết mà tới giờ vẫn không hiểu sao hồi đó có thể đọc hết trong thời gian ngắn như vậy. Đến học kỳ hai, thầy giao cho một bài toán rất lớn mà bây giờ thế giới vẫn chưa có lời giải.
Vừa phải làm bài thầy giao, vừa thực tập ở trường THPT Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Tây cũ), mỗi buổi có seminar là Quang đạp xe 30 km về trường báo cáo. Áp lực kéo dài 5-6 tháng, anh không thu lại bất kỳ kết quả nào xung quanh bài toán đó. Nhưng đổi lại, anh được nhiều thứ.
Chẳng hạn khi vô tình đọc được hai bài báo của tác giả người Nhật Hirotaka Fujimoto liên quan đến lý thuyết Nevanlinna (phân bố giá trị) và tìm ra cách làm hay hơn hai bài báo đó nên trình bày với thầy. Thầy Thái thấy Quang hợp với hướng đó nên đề nghị làm và nó trở thành hướng nghiên cứu tới tận bây giờ.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2003, Quang được giữ làm trợ giảng, đồng thời học cao học ở trường. Thời đó Internet chưa phát triển, chỉ ở trong nước thì khó biết thế giới đang nghiên cứu gì. May mắn đợt đó thầy Thái ở Nhật một năm, cứ 2-3 tháng lại gửi về cho Quang tập tài liệu dày chừng nửa gang tay, tập hợp các bài báo, tạp chí quốc tế để anh đọc và nghiên cứu.
Thầy Thái giới thiệu Quang với giáo sư Junjiro Noguchi, người gần như tốt nhất thế giới về lý thuyết Nevanlinna, khi ông sang Việt Nam dự hội thảo. Sau thời gian trao đổi, thầy Noguchi nhận Quang làm học trò, gợi ý làm hồ sơ xin học bổng của chính phủ Nhật để làm nghiên cứu sinh ở Đại học Tokyo. Tháng 10/2006, Quang sang Nhật, sau hơn ba năm thì bảo vệ thành công tiến sĩ.
Trở thành thầy giáo, TS Quang cho rằng về mặt kiến thức chuyên môn không gặp vấn đề gì vì những gì đã làm trước khi sang Nhật cũng đủ để bảo vệ tiến sĩ. Tuy nhiên sang Nhật, thầy học được tác phong làm việc khoa học, cẩn thận, giờ giấc tuyệt đối chính xác... Vì vậy, thầy tiếp tục xin học bổng học sau tiến sĩ ở nước ngoài và đến năm 2013 thì sang Pháp bảo vệ tiến sĩ HDR (tương đương tiến sĩ khoa học) ở Université de Bretagne Occidentale.
Nhờ những lần ra nước ngoài học tập, TS Quang có cơ hội tham gia hội nghị quốc tế, trao đổi với nhiều chuyên gia hơn bởi chi phí dự hội nghị đều được trường đại học tài trợ, điều mà Việt Nam chưa làm được. Hơn nữa, thư viện của đại học nước ngoài tốt, giúp sinh viên, nghiên cứu sinh tìm tài liệu dễ dàng. Vì vậy, thầy luôn khuyến khích sinh viên tìm cơ hội ra nước ngoài học.
"Khi thầy Thái hướng dẫn cao học, thầy nói với tôi thế hệ trước phải cõng thế hệ sau trên vai và tôi nhận thấy đó là trách nhiệm của mình. Cộng đồng Toán học ở Việt Nam không lớn, nếu cứ học trong nước rồi hướng dẫn lẫn nhau thì người sau không vượt được người đi trước. Vì vậy, tôi chỉ mong các em hãy kiếm học bổng để có thời gian nghiên cứu ở môi trường khác", TS Quang nói.
Trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2019 với khoảng 50 bài báo công bố quốc tế, hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ tiến sĩ thành công và đang hướng dẫn cho ba người khác, thầy Quang thấy thoải mái vì đã hoàn thành một cột mốc quan trọng trong cuộc đời làm khoa học. Tuy nhiên, thầy vẫn muốn làm được nhiều công trình có ý nghĩa lâu dài, đọng lại cho thế hệ sau.
"Tôi muốn tiếp tục với đam mê nghiên cứu khoa học. Nó không khiến tôi mất gì mà giúp tôi đạt được nhiều thứ, giúp tôi hình thành những tính cách tốt đẹp như nỗ lực, kiên trì và đặc biệt là trung thực", thầy Quang nói.