Đầu năm 2020, Times Higher Education (THE) công bố và phân tích kết quả khảo sát giáo dục đại học ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản dựa trên phản hồi của hàng trăm nghìn sinh viên cho bảy câu hỏi về các vấn đề như: việc nhà trường hỗ trợ phát triển tư duy phản biện, hỗ trợ giảng dạy, tạo mối liên hệ, cơ hội tiếp xúc với giảng viên, cơ hội hợp tác, thách thức với sinh viên hay việc áp dụng kiến thức vào thực tế.
Khoảng 170.000 sinh viên đang học tập tại Mỹ, 125.000 sinh viên ở châu Âu và 37.000 ở Nhật Bản đã tham gia trả lời. Kết quả cho thấy sinh viên ở ba nơi có những trải nghiệm rất khác biệt.
Ví dụ, với câu hỏi nhà trường cung cấp cơ hội học tập, hợp tác ra sao và những thách thức trong lớp học ở mức độ nào, sinh viên Mỹ đánh giá các trường đạt điểm trung bình là 8,2 trên thang 10. Trong khi đó, sinh viên ở Nhật Bản không nhận được nhiều cơ hội và họ chỉ cho trung bình 6,4 điểm. Sinh viên ở châu Âu đánh giá 7,3 điểm.
Nhìn rộng ra, dữ liệu cho thấy những điểm mạnh, điểm yếu của các hệ thống giáo dục đại học. Chẳng hạn, sinh viên ở châu Âu và Mỹ thường cho điểm cao khi nói đến cơ hội được tiếp xúc với giảng viên và nhân viên, nhưng lại đánh giá các trường của họ kém hơn nhiều về việc áp dụng các bài giảng vào thế giới thực.
Ngược lại, sinh viên Nhật Bản cho điểm trung bình cao nhất ở việc áp dụng kiến thức vào thực tế, nhưng lại đánh giá thấp việc các trường hỗ trợ họ phát triển tư duy phê phán.
Anne Colby, giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) ở trường Giáo dục thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho biết khảo sát ở Mỹ phù hợp với những nghiên cứu trước đây. Nó cho thấy đại học Mỹ có xu hướng làm khá tốt trong việc cung cấp các buổi seminar, cơ hội để sinh viên tương tác với giảng viên, có cố vấn bên ngoài lớp học và các dự án hợp tác giữa giảng viên và sinh viên.
Kiyomi Horiuchi, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu giáo dục đại học của Đại học Hiroshima (Nhật Bản), lý giải mức độ hài lòng tương đối cao của sinh viên Nhật Bản về việc ứng dụng những gì được học vào thực tế có liên quan đến sự phát triển trong các lĩnh vực nghiên cứu thực tế như điều dưỡng, trị liệu, ở quốc gia này. Những ngành học này rất phổ biến và được nhiều phụ huynh, học sinh định hướng vì có cơ hội việc làm cao hơn và nếu theo học sẽ dễ hình dung hơn khi áp dụng kiến thức vào thực tế.
Trong khi đó, đại học Nhật Bản bị đánh giá thấp về tư duy phê phán và tạo mối quan hệ. Ông Horiuchi cho biết điều này xuất phát từ việc tập trung vào bài giảng một chiều của giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học, cũng như thực tế có rất ít sự hợp tác giữa các bộ phận riêng lẻ tại các trường đại học. Mặc dù Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đang thúc giục các trường đại học cung cấp nhiều hơn lớp học theo phong cách giáo dục tích cực và liên ngành, ông Horiuchi dự đoán quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian.
"Các kỳ thi đại học, cũng như kỳ thi định kỳ được thực hiện tại trường trung học, thường hỏi đơn giản những gì học sinh học được từ sách giáo khoa và bài giảng. Do đó, sinh viên có xu hướng đáp ứng điều này bằng cách chỉ tiếp thu kiến thức từ khóa học", ông Horiuchi nói và đề nghị việc giới thiệu chuyên ngành học sau này và chương trình giảng dạy cần linh hoạt hơn để sinh viên có thể thực hiện các khóa học bên ngoài ngành của họ, giúp giải quyết điểm yếu nhận thức.
Thomas Brotherhood, nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford và Trung tâm Giáo dục đại học toàn cầu, người đã nghiên cứu ở cả Vương quốc Anh và Nhật Bản, nhấn mạnh dù là đại học ở đâu, việc cung cấp cho sinh viên thời gian nghỉ ngơi, cho họ cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động xã hội hơn và cung cấp một môi trường giáo dục phù hợp với kỳ vọng của cả sinh viên và người sử dụng lao động trong tương lai đều quan trọng.
Dương Tâm (Theo THE)