Trong nhóm thành phố trực thuộc trung ương, thí sinh TP HCM có điểm thi THPT quốc gia năm 2019 tốt nhất. Với gần 71.000 thí sinh dự thi, điểm trung bình 9 môn là 5,793. Xét theo từng môn, TP HCM đứng đầu môn Toán và Ngoại ngữ với lần lượt là 6,348 và 5,786 điểm.
Xếp ngay sau là Hải Phòng với điểm trung bình 5,665, số thí sinh dự thi 18.480. Trong 9 môn, Hải Phòng đứng đầu ba môn gồm Vật lý, Địa lý và Giáo dục công dân, điểm trung bình đều trên 6, trong đó Giáo dục công dân gần 8 điểm.
Với gần 10.500 thí sinh dự thi, Cần Thơ xếp thứ ba với điểm trung bình của thí sinh là 5,662. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ có điểm trung bình cao nhất ở bốn môn Ngữ văn, Hóa học, Sinh học và Lịch sử.
Riêng Ngoại ngữ vẫn là điểm kém nhất của địa phương này, nhưng đã cải thiện đáng kể so với năm ngoái, tăng từ 3,89 lên 4,451.
Hà Nội đứng áp chót trong năm thành phố trực thuộc trung ương. Điểm trung bình các môn đạt 5,533, không có môn nào đứng đầu cả nước. Mức trung bình từng môn của Hà Nội dao động từ hơn 4,3 đến hơn 7,3, trong đó môn Sinh thấp nhất và Giáo dục công dân cao nhất.
Đà Nẵng có ít thí sinh nhất (hơn 10.100) trong năm thành phố, điểm trung bình 9 môn và từng môn cũng thấp nhất. Thậm chí, điểm trung bình môn Lịch sử chưa đạt 4, dù đã tăng gần 0,5 điểm so với năm ngoái.
Có lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với hơn 74.000, Hà Nội có nhiều điểm 10 và điểm liệt nhiều nhất. Thành phố có tới 166 điểm 10. Trừ Ngữ văn, môn thi nào của thí sinh cũng có điểm tuyệt đối, trong đó Ngoại ngữ nhiều nhất với 113 bài thi, Giáo dục công dân xếp thứ hai với 35 bài.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng gây bất ngờ khi có tới 104 thí sinh bị điểm liệt Ngữ văn, môn tự luận nhiều người đánh giá chỉ bị điểm liệt khi cố tình không làm bài. Tổng số bài thi bị điểm liệt ở địa phương này là 299.
Có ít thí sinh dự thi nhất trong 5 thành phố với hơn 10.000, Đà Nẵng chỉ có bốn điểm 10 ở các môn Ngoại ngữ (1), Giáo dục công dân (2) và Sinh học (1). Đây là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không có ai bị điểm liệt môn Giáo dục công dân. Ở các môn còn lại, tổng số bài thi bị điểm liệt là 61.
Năm 2019, gần 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 thí sinh.
Theo kế hoạch tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trước 21/7. Các đại học phải chủ động cập nhật ngưỡng đầu vào trước ngày 22/7.
Từ ngày 22/7 đến trước 17h ngày 29/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức trực tuyến. Thời gian điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 22 đến trước 17h ngày 31/7.
Điểm chuẩn đợt 1 sẽ được công bố trước 17h ngày 9/8.