Các bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Đại gồm: Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho biết, các bản thảo này không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như: điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày.
Đánh giá riêng bản thảo Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt, cho rằng bản thảo này chỉ đáp ứng tiêu chí về điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa. Nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo có tới 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ.
Hội đồng thẩm định đặt ra nguyên tắc số 1 là bản thảo phải viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn diện, gồm nhiều vấn đề, như: ngữ điệu mới, lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ học vần, viết chữ. Tuy nhiên, theo GS Chừ, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không thay đổi gì so với cuốn sách đang được hơn 931.000 học sinh sử dụng. GS Đại giữ nguyên ba tập sách, bổ sung một cuốn tự học.
Một số nội dung của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1. Ví dụ, học sinh lớp 1 phải học những cụm từ, thành ngữ, như: thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, dĩ ân báo oán, hay con cà con kê. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, như: khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
GS Chừ thông tin thêm Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thầy cô dạy Tiếng Việt lớp 1 ở các vùng miền, từ vùng núi, nông thôn đến thành phố. Tất cả đều nói để dạy sách Công nghệ giáo dục như hiện nay phải bỏ công sức để nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt, cho rằng sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục giữ nguyên ba cuốn như cũ, bổ sung một bản thảo cuốn thứ tư dài 70 tiết là sự "vá víu, cũ và không đạt yêu cầu". "Chúng tôi không thể chấp nhận sách giáo khoa như vậy. Các tác giả cần tôn trọng chương trình giáo dục phổ thông mới và biên soạn sách dựa trên đó", ông Sử nói.
Trước câu hỏi hơn 931.000 học sinh đang học chương trình này sẽ ra sao khi cuốn sách không được công nhận, ông Sử nói hơn 1,9 triệu học sinh đang sử dụng sách giáo khoa hiện hành (không phải Công nghệ giáo dục) cũng phải thay đổi và sử dụng sách mới. Vì vậy, việc học sinh đang học sách của GS Đại cũng chỉ tương tự như vậy.
Bản thảo Toán Công nghệ giáo dục cũng không được thông qua. PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán, khẳng định sách của GS Đại chưa đáp ứng được hết tiêu chí, nhiều nội dung quá nặng với học sinh lớp 1. "Hội đồng gồm 13 người, thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, ghi nhận từng cái một để đánh giá đạt hay không. Ví dụ, nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Nếu không đủ, hoặc đúng, đều không thể thông qua", ông Kiều nói.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho hay đã phân tích điểm đạt và chưa đạt của bản thảo môn Toán trực tiếp với GS Hồ Ngọc Đại, nhấn mạnh việc thẩm định dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời đánh giá cao một số điểm hay ở sách Toán Công nghệ giáo dục. Ông khuyên GS Đại sửa lại theo chương trình mới, kế thừa những điểm tích cực đó.
Trả lời báo chí sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa bản thảo để nộp lại dù có quyền. "Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm và nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết", ông Đại nói.
Chủ biên sách Công nghệ giáo dục cho hay trong buổi đánh giá của Hội đồng thẩm định, ông được mời đến nghe. Khi Hội đồng hỏi có ý kiến gì không, ông nói không có ý kiến gì cả. Ông hoàn toàn không bất ngờ với kết quả này vì "biết trước chuyện này sẽ xảy ra".
Sách Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của một nhóm nghiên cứu do GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chủ biên, hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm tại trường thực nghiệm. Năm 2006, sách Công nghệ giáo dục lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho dùng ở các vùng khó khăn là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tài liệu được thẩm định lại, cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được thông qua. Sách được biên soạn, điều chỉnh và sửa đổi sau khi có góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để tiếp tục triển khai.
Đầu năm học 2018-2019, sau khi video cô giáo hướng dẫn cách phát âm theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được lan truyền, tranh cãi về phương pháp đánh vần, giá trị của cuốn sách này đã nổ ra. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục sẽ được thẩm định lại.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết Hội đồng thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thành lập theo Thông tư 33, mỗi môn ít nhất 7 người (luôn là số lẻ). Thành phần gồm các giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giáo sư đang công tác ở đại học, ít nhất 1/3 là giáo viên đang dạy ở mọi vùng miền.
Sau khi nhận được bản thảo, thành viên trong hội đồng sẽ đọc trong 15 ngày với tinh thần tiếp cận, tìm hiểu độc lập, sau đó sẽ họp tập trung. Trong thời gian họp, Hội đồng nghe tác giả bản thảo sách trình bày nội dung và quan điểm, sau đó có 3-5 ngày làm việc độc lập để có buổi phân tích, đưa ra kết luận với bản thảo sách giáo khoa vòng 1. Trong buổi này, tác giả viết sách sẽ đến nghe ý kiến.
Theo thông tư 33, việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức là đạt, đạt nhưng cần chỉnh sửa và không đạt. Nếu đạt nhưng phải sửa, tác giả sẽ có một tháng để sửa và nộp lại. Nếu không đạt, tác giả và nhà xuất bản có quyền chỉnh sửa và đề nghị hội đồng thẩm định lại, được xem như thẩm định lần đầu.
Hội đồng thẩm định các môn đã làm xong vòng 1 và hiện chuẩn bị thẩm định vòng 2. Đánh giá chung của Hội đồng là các tác giả rất tâm huyết, làm sách công phu, trách nhiệm. Tuy nhiên, một số sách ở môn thể dục, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, Toán, Tiếng Việt hay Đạo đức không đạt.
Bản thảo sách giáo khoa lớp 1 đạt sẽ được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo công bố trong tháng 10. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học những sách này.
Dương Tâm