Quan điểm này được TS Nguyễn Xuân Xanh (tác giả Giải thưởng Sách hay 2019 hạng mục giáo dục) đưa ra tại toạ đàm Giáo dục đại học từ xưa đến nay ngày 19/10. Ông cho rằng, người học phải biết tôn trọng, khiêm nhường trước người thầy và khoa học. Nhưng trò phải luôn có ý thức vươn lên để giỏi như thầy, không chỉ tiếp thu kiến thức thụ động, thầy nói sao nghe vậy. "Nếu có ý kiến khác hãy phát biểu nhưng phải biết cách diễn đạt với thái độ lịch sự", ông nói.
Ý kiến của ông Xanh được đưa ra trước ý kiến của một giảng viên đại học ở TP HCM, rằng dù bậc đại học khuyến khích sự tự do nhưng "quan hệ thầy trò phải có thứ bậc". Ông kể nhiều biểu hiện không tôn trọng người thầy trong giới sinh viên thời nay và cho rằng phải xây dựng được chân dung người thầy và sinh viên thì môi trường đại học mới phát triển được.
Từ quá trình nghiên cứu các định chế giáo dục đại học từ trung cổ đến hiện đại, TS Xanh cho rằng đại học vốn là sự tập hợp tự nguyện giữa thầy và trò để phát triển tri thức ở một bậc cao, hoạt động độc lập và tự chủ như một "phường hội" nghề nghiệp.
Một đại học đúng nghĩa thì sinh viên có nhiều chọn lựa thầy, tìm đại học mình yêu thích. Sinh viên phải tự suy nghĩ, xây dựng, bảo vệ lập luận và chính kiến, có khả năng điều chỉnh nhận thức, tư duy trước tình thế mới.
Trong khi đó, TS Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen) cho rằng, khác với bậc phổ thông, đại học hiện đại cần xây dựng mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa thầy và trò. Trò phải có quyền nghĩ khác thầy, có quyền nói ngược lại nếu có chứng lý. "Người thầy phải cởi mở, khơi gợi thì học trò mới dám nói ra. Người học dù ở lứa tuổi nào cũng phải được tôn trọng như những người học độc lập", bà Phượng nói.
Cũng theo TS Phượng, tinh thần "tôn sư trọng đạo" phải được hiểu theo hướng "tôn trọng người thầy, tôn trọng sự học chứ không có nghĩa không được vượt qua thầy". Bởi người Việt từ xưa xem con hơn cha là nhà có phúc, đời sau giỏi hơn đời trước là điều đáng mừng.
Bàn về giá trị phổ quát của đại học trên toàn thế giới, TS Phượng cho rằng môi trường này là nơi lưu giữ, quảng bá và phát triển tri thức. Sứ mạng của trường đại học là nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ xã hội. Muốn làm được điều này, mỗi trường đại học phải được tự do về học thuật, tức tự do dạy và học.
Nhìn rộng hơn, một nền giáo dục lành mạnh phải trang bị cho người học khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời. "Tự học là điều cần thiết cho con người hiện nay, dù ở bất cứ độ tuổi, lĩnh vực ngành nghề nào. Đây là một năng lực, chứ không hẳn là kỹ năng như cách hiểu thông thường", bà Phượng nói.
Tại toạ đàm, nhiều sinh viên, giảng viên đã trao đổi về cách học mới trong giai đoạn phát triển mạnh của công nghệ và mạng xã hội, giá trị thực của nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Điều tiên quyết trong việc học thời nay là phải biết mình là ai, hiểu được giá trị cốt lõi, lẽ sống và mong muốn của bản thân để tự lựa chọn con đường và tự chịu trách nhiệm.
TS Nguyễn Xuân Xanh (77 tuổi), tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn, sau đó sang Đức du học năm 1966 tại các Đại học Bonn, Heidelberg, Bielefeld và Berlin. Năm 1975, ông tốt nghiệp tiến sĩ Toán, sau đó nghiên cứu và dạy học tại ĐH Bielefeld và Đại học Kỹ thuật Berlin.
Ông về nước sống hơn 10 năm nay, là tác giả của nhiều cuốn nghiên cứu về lịch sử khoa học giáo dục.
TS Bùi Trân Phượng (69 tuổi) tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Lịch sử tại Đại học Paris (Pháp) năm 1972, bảo vệ luận văn Tiến sĩ tại Đại học Lyon 2 năm 2008.
Từ năm 1975-1991, bà giảng dạy và quản lý tại khoa Sử (Đại học Sư phạm TP HCM). Sau đó bà Phượng chuyển về công tác tại trường cao đẳng bán công Hoa Sen (tiền thân Đại học Hoa Sen) và làm hiệu trưởng trường này từ năm 2007 đến 2017.