Tại tọa đàm "Trường học hạnh phúc" do Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp tổ chức chiều 8/10 ở Hà Nội, giáo sư Agnes Florin đến từ Đại học Nantes, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý và Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên Pháp, khẳng định quan điểm về đánh giá kết quả học tập là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc ở trường của học sinh.
Theo kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và Pháp, đa số học sinh sợ bị điểm kém, sợ thầy cô trao đổi với bố mẹ và sợ sai khi làm bài tập. Cách đánh giá ở trường gây ra những nỗi sợ làm ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc này. Bà Florin chia sẻ các cách đánh giá kết quả của học sinh mà Pháp đang sử dụng.
Đầu tiên là cách đánh giá tường minh, tức là giáo viên sẽ cho điểm học sinh và có những nhận xét cụ thể. Trước đây, các trường học ở Pháp cho điểm bài tập học sinh từ cấp tiểu học kèm theo những nhận xét như "tốt", "có thể làm tốt hơn". Nhưng hiện tại, trường tiểu học không cho điểm nữa mà nhận xét năng lực của trẻ ở từng hoạt động.
Tùy cấp học và lớp học, chương trình học ở trường sẽ yêu cầu học sinh đạt được những năng lực khác nhau. Chẳng hạn, trẻ em ở lớp vỡ lòng phải đạt được năng lực diễn đạt câu một cách mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, hay trẻ phải có khả năng đọc hiểu được bài viết ngắn. Giáo viên sẽ đánh giá dựa theo các năng lực đó thay vì chấm điểm bài tập học sinh.
Sổ ghi đánh giá kết quả học tập không gọi là "sổ điểm" mà là "sổ nhận xét năng lực" của trẻ. Ví dụ, hết cấp tiểu học, trẻ phải đạt được một số năng lực nhất định về đọc, viết, nghe, chính tả. Giáo viên sẽ sử dụng các hình ký hiệu với màu sắc khác nhau để đánh dấu. Theo đó, học sinh làm tốt và chưa đạt sẽ được đánh giá bằng những hình ký hiệu và màu sắc riêng trong cuốn sổ.
Thầy cô không đánh giá năng lực trẻ ở cùng một thời điểm mà ở nhiều thời điểm với các môn học khác nhau. Chẳng hạn, hôm nay học sinh làm được cái gì tốt cô sẽ đánh dấu vào sổ nhận xét năng lực, tuần sau hay sau nữa học sinh đạt được một năng lực khác sẽ tiếp tục được đánh dấu vào sổ ở năng lực đó.
Cách đánh giá này sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ con đã đạt được những năng lực nào, đang ở cấp độ nào và phần nào chưa đạt. Nó cũng giúp phát huy được năng lực của trẻ, giúp nhìn ra những điểm chưa đạt để phấn đấu.
Bà Florin cũng nhận định cách làm mới đối với học sinh tiểu học ở Pháp khắc phục nhược điểm của cách đánh giá bằng điểm số và nhận xét. Với cách làm cũ, đôi khi phụ huynh không hài lòng vì nếu nhìn vào điểm số, ví dụ 15/20, phụ huynh biết con đã đạt điểm tốt nhưng lại không rõ tốt ở năng lực nào.
Ở bậc THCS và THPT, cách đánh giá lại khác. Pháp không tổ chức thi cử, kiểm tra ở cấp tiểu học mà chỉ bắt đầu hình thức này ở cấp THCS nên từ cấp học này, các trường đánh giá học sinh bằng điểm số và tính điểm trung bình môn. Để tốt nghiệp, học sinh chỉ cần đạt điểm trung bình. Ví dụ, có môn được 10/20, có môn thấp hơn mà trung bình môn đạt 10/20 thì vẫn đỗ.
Thứ hai là cách đánh giá không mang tính chất tường minh. Chẳng hạn, giáo viên đánh giá học sinh bằng ánh nhìn, các động tác chân tay, qua đó thể hiện cái nào các em đã làm được và cái nào chưa được. Với cách này, học sinh chỉ nhìn cách nhìn, cử chỉ của thầy cô là biết mình đang được động viên hay bị phê phán, từ đó tìm cách phát huy năng lực.
Tuy nhiên, cách đánh giá không tường minh này đôi khi làm ảnh hưởng tinh thần các em. Ví dụ, cô giáo thực hiện một động tác cho thấy học sinh không hiểu bài. Động tác đó lặp đi lặp lại sẽ khiến đứa trẻ chán nản và không muốn học nữa.
Một cách đánh giá khác được giáo viên ở Pháp áp dụng là tự đánh giá. Giáo viên ở Pháp có quyền đánh giá theo cách của mình. Chẳng hạn, cô cho bài tập nhưng không chấm mà để trẻ tự chấm bài lẫn nhau. Việc để hai học sinh chấm bài của nhau không nhằm đánh giá bạn này tốt hơn bạn kia mà đơn giản chỉ là để các em tìm ra lỗi sai trong bài của bạn.
Đôi khi, giáo viên cho bài tập và sau đó cho lời giải và yêu cầu học sinh tự so bài làm của mình để tìm ra mình sai ở đâu, từ đó tìm ra lý do làm sai rồi tìm cách khắc phục lỗi đó ở những cần sau. Như vậy, học sinh tự nhận thức được cần cố gắng như thế nào.
Dương Tâm