Ngày 8/6 tới, hơn 81.000 học sinh thủ đô sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập là hơn 50.000. Một số trường có tỷ lệ chọi cao như THPT Trung Văn, THPT Yên Hòa...
Lo đến mất ăn mất ngủ
"Áp lực quá, nhìn con học suốt ngày đêm mà sốt ruột", chị Nguyệt Hà (Hà Đông, Hà Nội) có con trai đang học THCS Việt Nam - Algeria chia sẻ. Cậu bé nộp nguyện vọng 1 vào trường THPT Nhân Chính và nguyện vọng 2 vào THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân).
Theo chị Hà, THPT Nhân Chính năm trước lấy điểm chuẩn 52,5 và là trường có tỷ lệ chọi khá cao. Năm nay trường tuyển 400 học sinh mà hồ sơ nộp vào đã 900, chưa kể nguyện vọng 2. Trường còn lại là THPT Trần Hưng Đạo thì còn "khủng" hơn, có tới hơn 3.300 thí sinh nộp nguyện vọng 2 vào đây. Những yếu tố trên khiến cả gia đình lo lắng, trong khi sức học của con trai bình thường.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, con trai chị Hà học ôn ở trường cả tuần vào mỗi buổi sáng. Ngoài ra, chị còn nhờ người quen là giáo viên kèm thêm 2 môn Văn, Toán cho con. Người mẹ trẻ cố gắng giảm áp lực cho con bằng cách không cho thức quá khuya học bài, khuyên con đi ngủ trước 12h đêm và nếu có thời gian thì nên thư giãn đầu óc. Chế độ ăn uống của con cũng được chị thêm những loại thức ăn giàu năng lượng, tốt cho trí não.
"Gia đình cũng có những phương án dự phòng, nếu chẳng may không vào được trường công lập thì đăng ký học mấy trường dân lập gần nhà cũng được, dù học phí cao hơn một chút", chị nói.
Anh Đức (quận Hoàng Mai) ví von con chuẩn bị thi mà anh thấy căng thẳng còn hơn lần đầu tiên đi phỏng vấn tuyển dụng. "Dù biết là không nên tạo thêm áp lực cho con nhưng tâm lý của hầu hết phụ huynh đều muốn con vào trường công lập. Học phí vừa phải, thầy cô giáo chất lượng, mặt bằng học sinh đồng đều. Mình cũng kỳ vọng vào con lắm chứ", anh nói.
Phụ huynh này cho hay, con trai khá thông minh nhưng không phải là đứa trẻ ham học, đôi khi học như "tài tử" khiến anh rất lo lắng. Để tạo động lực, phụ huynh này còn treo phần thưởng là một chuyến nghỉ mát Nha Trang nếu con thi đậu trường công lập.
Tham khảo kinh nghiệm của bạn bè, người thân có con thi vào lớp 10 những năm trước, anh Đức được bạn mách nước là nếu không vào được trường công lập như ý thì nên chọn trường công lập điểm thấp ở các huyện ngoại thành, sau đó xin chuyển trường khi đã học một thời gian. Anh cũng từng tính đến cách đó dự phòng, nhưng Hà Nội siết quy định chuyển trường rồi đành bỏ.
Để tránh việc học sinh chuyển trường sau một thời gian học, trước kỳ tuyển sinh, Sở Giáo dục Hà Nội ra quy định học sinh trúng tuyển trường công lập nào phải ổn định hết cấp học tại trường đó. Trường hợp cần thiết chuyển trường thì phải được Giám đốc Sở cho phép.
Cùng con xây dựng 'chiến lược' vào trường công
Chị Nguyễn Thanh (Đống Đa) có con gái Mai Anh chuẩn bị thi vào chuyên Sử của Hà Nội - Amsterdam chia sẻ, gia đình không nên đặt kỳ vọng quá cao để tạo thêm áp lực mà nên đồng hành, chia sẻ với con trong mùa thi. Khi con gái chuẩn bị đăng ký chọn trường, hai mẹ con cùng ngồi bàn bạc kỹ. Mai Anh chọn chuyên Sử Ams làm nguyện vọng 1, còn nguyên vọng 2 nộp vào trường chuyên Nguyễn Huệ. Hai nguyện vọng vào trường công lập không chuyên lần lượt là THPT Yên Hòa và THPT Cầu Giấy.
"Sau khi bàn bạc kỹ với bố mẹ, cháu tự đưa ra quyết định. Điểm chuẩn năm ngoái của Yên Hòa là 53 còn của Cầu Giấy là 50,5. Cháu không chọn hai nguyện vọng cao tương đương nhau mà chọn một trường cao, một trường thấp hơn một chút để có thêm cơ hội, nếu không thì rất dở", chị nói.
Chị Thanh rất tự hào về ý thức học tập chuyên cần của con gái. Mai Anh ôn bài hàng ngày nhưng không vùi đầu vào "học gạo", vẫn có thời gian thư giãn, tán gẫu cùng bạn bè. Trường không tổ chức ôn tập, em chỉ đi học thêm Toán ở chỗ quen từ mấy năm nay, học thêm Sử và Văn do thầy cô giáo trường Ams dạy. Chị Thanh chỉ hơi lo lắng về sức khỏe vì con dễ bị đau đầu và đi ngủ hơi muộn.
Bốn năm liền là học sinh giỏi, con gái chị Thanh sẽ được cộng 20 điểm vào kết quả thi. Thêm giải ba môn Sử học sinh giỏi thành phố và điểm nghề, cô bé sẽ có tổng điểm cộng là 22,5. Dù điểm cộng cao, lực học tốt nhưng hai mẹ con tự nhủ rằng không nên quá chủ quan.
Trước đó, Hà Nội tổ chức thi thử để học sinh tự đánh giá năng lực khi chọn nguyện vọng. Điểm Toán của Mai Anh khá cao (8,75) nhưng điểm môn Văn lại không được như ý khiến tổng điểm hai môn không cao. "Học tài thi phận nên không nói trước được điều gì", chị Thanh nhủ.
Ngoài nguyện vọng chọn trường, khi con gái đăng ký thi chuyên Sử trường Ams, chị Thanh cũng rất ủng hộ. Theo chị, Mai Anh thích Sử từ bé và nguyện vọng vào Hà Nội - Amsterdam cũng là khát khao của con gái. Khi học Lịch sử, con không chỉ học về truyền thống dân tộc, các cuộc chiến tranh mà còn theo dõi các vấn đề thời sự, như về bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp... Chị cho rằng khi con yêu lịch sử dân tộc thì cũng sẽ có vốn sống phong phú và hiểu biết rộng về văn hóa, xã hội... Điều đó rất cần thiết đối với người trẻ hiện nay.
Năm học này, Hà Nội vẫn dùng phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập, công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập, lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây. Đơn xét tuyển được tính dựa trên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp trung học cơ sở, kết quả thi hai môn Ngữ văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và điểm cộng thêm. Công thức:
Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm
Phương Hòa