Đối với nhiều quốc gia, các nước Bắc Âu đã trở thành biểu tượng về bình đẳng giới và sự hòa hợp trong gia đình. Đó là nơi những ông bố hạnh phúc đẩy xe nôi qua phố, nơi những bà mẹ thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ sinh dài và những đứa trẻ được chăm sóc sức khỏe miễn phí từ khi ra đời.
The Guardian đưa tin, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Phần Lan là nước duy nhất trong các quốc gia phát triển mà bố dành nhiều thời gian cho trẻ trong độ tuổi đi học hơn mẹ, thời gian chênh lệch là tám phút mỗi ngày.
Global Gender Gap xếp Phần Lan đứng thứ hai trong số quốc gia bình đẳng nhất thế giới năm 2016. Tờ The Economist đánh giá Phần Lan là nước tốt thứ ba thế giới cho các bà mẹ vừa nuôi con vừa làm việc.
Làm thế nào để Phần Lan đạt được điều này? Các quốc gia có thể học hỏi điều gì từ đất nước Bắc Âu nhỏ bé với chỉ 5,5 triệu dân? Đó là câu chuyện về ý chí chính trị và hành động tập thể, về truyền thống mạnh mẽ của nền dân chủ xã hội và hệ thống thuế phù hợp. Tuy nhiên, khác biệt quan trọng trong xã hội Phần Lan là lợi ích của trẻ được đặt lên trên lợi ích của người lớn.
“Đây không phải là vấn đề về quyền của người mẹ hay quyền của người bố, mà là quyền của đứa trẻ để dành thời gian với cả bố lẫn mẹ”, Annika Saarikko, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình và dịch vụ xã hội cho biết. Cô là một trong sáu bộ trưởng nữ trên tổng số 11 thành viên nội các chính phủ.
Phần Lan là nước thứ hai trên thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ và là nước đầu tiên trao cho họ quyền chính trị đầy đủ vào năm 1906. Hiện 42% nghị sĩ Phần Lan là phụ nữ, trong khi ở Mỹ, phụ nữ nắm giữ chỉ 19,6% số ghế trong quốc hội.
“Bạn có thể là một phụ nữ trẻ và là bộ trưởng ở đây. Trường hợp của tôi không phải bất thường. Ở Phần Lan, việc kết hợp giữa công việc và gia đình tuy không dễ nhưng không phải là không thể”, Bộ trưởng 35 tuổi Saarikko chia sẻ. Cô gửi con ba tuổi ở nhà trẻ, trong khi chồng cũng đi làm toàn thời gian.
Xã hội hỗ trợ từ lúc sinh con
Nhà nước Phần Lan cố gắng cung cấp cho cả mẹ và bố những hỗ trợ xã hội thiết thực trước khi đứa trẻ sinh ra. Khi có con, họ không phải lo lắng về khoản chi phí khổng lồ trong hóa đơn y tế.
Một phụ nữ mang thai không có biến chứng có thể được khám miễn phí từ 11 đến 15 lần trước khi sinh, và chi phí sinh con không đáng kể. Trong khi đó, ở Mỹ, việc sinh thường tốn trung bình 10.000 USD, sinh mổ tốn hơn 15.000 USD, theo Hiệp hội quốc tế về các kế hoạch y tế (IFHP).
Trong 80 năm qua, chính phủ Phần Lan đã tặng mỗi đứa trẻ sơ sinh một thùng carton, gồm các vật dụng cần thiết như túi ngủ, nệm, quần áo ấm khi ra ngoài trời, đồ vệ sinh cá nhân. Tất cả đều có màu trung tính để phù hợp với cả bé trai và bé gái. Chiếc thùng này cũng được xem là chiếc giường đầu tiên trong cuộc đời một đứa trẻ. Dù có thể lựa chọn nhận 140 euro thay thế, 95% người sinh con lần đầu lấy nhu yếu phẩm vì chúng có giá trị hơn nhiều.
Chiếc thùng carton được ghi nhận là giúp Phần Lan hạ tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong xuống thấp bậc nhất thế giới, chỉ 1,7 ca tử vong trên 1.000 trẻ, theo số liệu năm 2015. Trước đó, tỷ lệ này ở Phần Lan khá cao. Anita Haataja, nhân viên cơ quan xã hội ở Phần Lan, đánh giá sự tiếp xúc giữa bố mẹ và trẻ là nguyên nhân quan trọng hơn giúp mang lại kết quả tích cực này.
Khi đứa trẻ chào đời, Phần Lan cho phép các bà mẹ nghỉ bốn tháng được trả lương. Chế độ thai sản của các ông bố là chín tuần với 70% lương. Nhiều ông bố chỉ sử dụng ba tuần đầu tiên của kỳ nghỉ theo quy định, chỉ khoảng một nửa trường hợp nghỉ đủ thời gian cho phép.
Để khuyến khích họ tận dụng lợi ích của việc này, Phần Lan phát động chiến dịch mới với tên gọi “It’s Daddy Time!” (Đây là thời gian làm bố!) với tờ rơi in hình một công nhân xây dựng vạm vỡ đang vui mừng khi đẩy chiếc xe nôi.
“Mối quan hệ giữa đứa trẻ và người bố thực sự quan trọng, nhất là ở những năm đầu tiên. Do đó, chúng tôi tin tưởng đầu tư cho điều này”, Bộ trưởng Saarikko nói.
Ngay cả khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản, bố hoặc mẹ có quyền ở nhà, được trả 450 euro mỗi tháng và có thể đi làm trở lại khi đứa trẻ lên ba. Một số người chỉ trích rằng mức lương này khuyến khích phụ nữ nghỉ làm quá lâu, tổn hại đến triển vọng nghề nghiệp.
Theo Sami Sulin, nhân viên ngân hàng, quy định của chính phủ giúp anh có cơ hội bên con gái nhiều hơn. Anh ở nhà tròn 10 tháng kể từ khi con được 10 tháng tuổi, và cho biết ngày càng nhiều bạn bè làm điều tương tự.
“Chẳng ai nghĩ tiêu cực về chuyện này. Tôi nghĩ giờ là lúc xã hội thừa nhận rằng những ông bố cần phải tham gia vào cuộc sống gia đình”, người đàn ông 35 tuổi nói.
Phụ huynh không áp lực về giáo dục
Hầu hết phụ huynh Phần Lan, dù nghỉ ít hay nhiều, đều sẽ đi làm trở lại. Và khi đó, chính phủ cung cấp dịch vụ trông trẻ với mức đắt nhất là 290 euro một tháng. Ở một số nơi tại Mỹ, phí trông trẻ toàn thời gian tốn 85% giá thuê nhà trung bình của một gia đình, và có thể đắt hơn việc cho con vào đại học. Ở London (Anh), mức phí trung bình khoảng 650 bảng mỗi tháng.
“Tôi nghĩ khác biệt lớn nhất là phụ huynh Phần Lan không hề áp lực chút nào. Mọi việc đã được chính phủ tổ chức chặt chẽ”, giám đốc bán hàng Tuomas Aspiala (40 tuổi) nhận xét.
Khi một nhà trẻ địa phương không còn chỗ trống cho hai con của anh, thành phố Helsinki sắp xếp một người trông trẻ để chăm sóc chúng cho đến lúc có chỗ.
“Môi trường ở các nhà trẻ rất tốt. Không khí gần gũi, những người chăm sóc rất tuyệt vời. Chúng tôi không hề cảm thấy tội lỗi khi để con ở đó”, anh kể.
Thực tế, giáo dục mầm non của Phần Lan được cho là tốt nhất thế giới. Độ tuổi đến trường bắt buộc là bảy tuổi và kết quả học tập được ngưỡng mộ bởi vị trí cao trên bảng xếp hạng giáo dục PISA.
“Ở Phần Lan, giáo dục không phải là điều khiến người ta căng thẳng”, Noora Ahmed-Moshe, bà mẹ 37 tuổi vừa sinh con gái thứ hai được hai tháng cho biết. Trước đó, cô sinh bé đầu khi sống ở London.
Quan điểm của các công ty tại Phần Lan cũng có xu hướng tích cực hơn. Hầu hết nhân viên bắt đầu ngày làm việc lúc 8h, kết thúc khoảng 4-5h chiều. Thời gian biểu này giúp phụ huynh có thể chia sẻ việc nuôi dạy con.
Đối với vợ chồng Petri và Kirsi Louhelainen, một người là doanh nhân khởi nghiệp và một người là giám đốc công nghệ, cả hai đều coi trọng việc phân chia thời gian dành cho công việc và gia đình.
“Khi về nhà, tôi làm việc nhà cùng vợ, đó là điều bình thường. Các ông bố tham gia vào cuộc sống của trẻ và theo kinh nghiệm của tôi, những đứa trẻ có nhiều sở thích thường là do được bố dẫn dắt”, Petri (41 tuổi) nói.
Tuy không thể chứng thực được việc bố Phần Lan dành nhiều thời gian cho trẻ trong độ tuổi đi học hơn mẹ, Kirsi (38 tuổi) đánh giá cao sự bình đẳng trong gia đình khi so sánh với các nước phương Tây khác.
“Petri lo giặt giũ quần áo của bọn trẻ. Tôi thấy việc đó quá căng thẳng. Nhưng tôi nấu ăn nhiều hơn anh ấy. Chia sẻ việc nhà là điều rất tự nhiên”, cô nói.
Thuế cao nhưng dân không phàn nàn
Thuế chiếm 44% GDP Phần Lan, trong khi ở Mỹ là khoảng 25%. Thuế thu nhập gồm các khoản chi trả cho thị trấn, thành phố, nhà nước, thuế nhà thờ, thuế truyền thông công cộng. Một người kiếm được 1,2 triệu USD một năm sẽ phải trả 51,5% cho nhà nước.
“Người Mỹ sẽ nói chúng tôi phải trả quá nhiều thuế, đó là sự thật. Nhưng chúng tôi không mất ngủ vì điều đó. Chắc chắn tôi sẽ muốn trả ít thuế hơn, nhưng tôi vẫn thoải mái. Nếu tôi biết về bản chất mình là người cho hơn là người nhận, nhưng thuế của tôi giúp được ai đó có hoàn cảnh khó khăn hơn thì không sao cả”, Aspiala, giám đốc kinh doanh nói.
Tuy nhiên, Phần Lan vẫn chưa tự xem mình là một xã hội hoàn hảo. Bộ trưởng Saarikko thừa nhận rằng vẫn còn những vấn đề liên quan đến giới tính, đặc biệt ở các vùng sâu. Khoảng cách lương theo giới tính vẫn duy trì ở mức 16-18%. Hầu hết ngành nghề còn chiếm ưu thế bởi một giới tính và phụ nữ chỉ chiếm 23% thành viên hội đồng quản trị trong các công ty.
Chính phủ đang tích cực làm việc để cải thiện những con số này. Năm 2017, Phần Lan ra mắt giải thưởng bình đẳng giới quốc tế như một phần của lễ kỷ niệm 100 năm độc lập. Giải thưởng trị giá 150.000 euro được trao cho một người hoặc tổ chức “đã nâng cao bình đẳng giới một cách đáng chú ý trên toàn cầu”.
Bước chuyển mình tiếp theo cho vấn đề bình đẳng giới có thể đến từ các ông bố, theo dự đoán của Katja Lahti (43 tuổi), chủ nhân blog gia đình nổi tiếng Project Mama. “Nó giống như phong trào của các ông bố hiện đại trong việc đòi hỏi quyền lợi. Họ muốn có tiếng nói”, cô cho biết.