Đỗ Thúy Vy vừa trở thành thủ khoa đầu ra ngành Nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu điện ảnh. Với câu chuyện về một họa sĩ điên ở ngoại thành Hà Nội, cô gái sinh năm 1996 đã chinh phục được sự khó tính của các thầy trong hội đồng chấm thi để trở thành sinh viên duy nhất đạt điểm tuyệt đối.
Một mực chống lại sự phản đối của gia đình
Đỗ Vy đến với nhiếp ảnh rất tình cờ. Năm lớp 8, bố mua một chiếc máy ảnh du lịch cho gia đình. Đó là lần đầu tiên Vy được cầm máy và tự chụp những góc mình thích. Em bắt đầu yêu chụp ảnh, thường xuyên lang thang đây đó, thậm chí trốn học để ra Hồ Gươm ghi lại những bức hình về cuộc sống xung quanh.
Học hết lớp 9, Vy xin bố mẹ cho tham gia lớp nhiếp ảnh cơ bản ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Ngay từ lúc đó, em đã tìm hiểu và nuôi hy vọng trúng tuyển vào khoa Nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu điện ảnh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề tiếp viên hàng không, bố mẹ Vy không muốn con gái theo đuổi các ngành nghệ thuật.
“Bố thuyết phục không được nên phản đối ra mặt. Còn mẹ em rất gay gắt với nghề cầm máy, cho rằng nó mạt hạng, phải lăn lê bò toài dưới đất chụp ảnh cho người khác trong khi làm tiếp viên vừa được đi nước ngoài, vừa được chơi, lại vẫn có thể chụp ảnh”, Vy nói và cho biết với tính cách của một đứa con gái cứng đầu, em không thể theo ý bố mẹ để bỏ qua đam mê thực sự của bản thân.
Vy đã trúng tuyển vào khoa Nhiếp ảnh đúng như mong muốn và xây dựng mục tiêu mới - danh hiệu thủ khoa đầu ra nhằm khẳng định khả năng và thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về môn nghệ thuật này.
Bài tốt nghiệp 10/10 trong cơn mưa lời khen
Với Vy, vào học trường Sân khấu điện ảnh chưa bao giờ là lựa chọn sai lầm. Vì được học chuyên ngành yêu thích, Vy say sưa và cảm thấy việc học rất nhẹ nhàng. Năm hai đại học, em cùng nhóm bạn mở studio riêng để vừa có thêm thu nhập, vừa rèn nghề. Nữ sinh Hà Nội còn thử sức ở nhiều công việc, như sản xuất phim, đóng phim ngắn, sitcom, làm make up và mẫu ảnh.
Làm nhiều công việc giúp Vy tiếp xúc với nhiều người. Em trở nên linh hoạt, chủ động hơn trong giao tiếp, tư duy hình ảnh tốt hơn. Nhờ vậy, dù ở trường học nhiếp ảnh thiên hướng báo chí, em không gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng Vy tự nhận thấy bản thân không quá nổi trội cho đến khi thực hiện tác phẩm tốt nghiệp.
"Em đặt mục tiêu thủ khoa đầu ra và đã đến lúc phải dồn hết tâm huyết, khả năng để hoàn thành mục tiêu đó", Vy tự dặn lòng khi thời gian làm bài tốt nghiệp bắt đầu. Kết quả, bộ ảnh "Ý điên" đã mang về cho em kết quả như mong muốn.
Nhân vật chính trong bộ ảnh “Ý điên” là họa sĩ mắc bệnh tâm thần Nguyễn Như Ý, người nổi tiếng trong giới mỹ thuật, được một số trang báo đưa tin nhưng chưa ai thực hiện bộ ảnh nào để diễn tả cuộc sống của anh. Dưới sự gợi ý của thầy hướng dẫn, Vy quyết định tìm đến tận nhà để xin chụp ảnh.
Không thể liên lạc với anh Ý qua mạng xã hội hay điện thoại, Vy đánh liều đi gần 50 km lên Sóc Sơn và lần mò được tới nhà, thuyết phục gia đình anh cho thực hiện bộ ảnh.
Mất khoảng 2 tháng để hoàn thành, Vy vẫn khẳng định không gặp nhiều khó khăn. “Nhân vật Ý khá cô đơn. Anh không biết em là ai nhưng rất vui vẻ khi em đến. Chỉ cần có người tới cùng trò chuyện là anh đã vui rồi. Hơn nữa, em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, trò chuyện, ăn cơm và ngồi xem anh vẽ tranh nên ngay cả khi em cầm máy ảnh lên, anh Ý vẫn tự nhiên”, Vy chia sẻ.
Hoàn thành 22 bức ảnh, Vy gửi xin ý kiến của thầy hướng dẫn và nhận được cái gật đầu. Thế nhưng, đến ngày bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp, em trở nên lo lắng vì các bạn có nhiều bộ ảnh tốt trong khi danh hiệu thủ khoa chỉ có một.
Vy nhớ lại em là người trình bày cuối cùng trong hai ngày bảo vệ kéo dài. Xem phần thi của các bạn đi trước, em bắt đầu run khi các thầy liên tục đưa ra những câu hỏi “tại sao” để sinh viên bảo vệ quan điểm. Lên trình bày bài với tâm trạng không tốt, Vy thở phào nhẹ nhõm khi nhận được câu đầu tiên từ các thầy.
“Thầy có ba điều nói về bộ ảnh này. Đầu tiên là thầy hài lòng. Thứ hai là thầy hài lòng. Và thứ ba cũng là hài lòng. Đó là câu nói và khoảnh khắc mà em sẽ không thể quên”, Vy khẳng định.
Không giống các bạn, trong suốt một tiếng, Vy không nhận thêm bất kỳ câu hỏi nào, trái lại là cơn mưa lời khen từ phía thầy cô, khách mời, anh chị khóa trước. Chưa hết, khi bộ ảnh được đăng lên mạng xã hội, em tiếp tục nhận được nhiều ủng hộ.
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh, đánh giá Đỗ Vy yêu nghề và có quyết tâm theo đuổi nghệ thuật dù không được gia đình ủng hộ.
"Sự đam mê rất cần thiết trong nghệ thuật và Vy thể hiện được điều đó, đặc biệt trong bộ ảnh Ý điên. Không khó để lột tả được bề ngoài của nhân vật này nhưng rất khó để có được tấm ảnh diễn tả nội tâm, cái điên của nhân vật. Vy đã làm nó trọn vẹn", thầy Nguyễn Thành nói.
Bài tốt nghiệp 10/10 điểm đã giúp Vy phần nào thuyết phục được bố mẹ và chứng minh cho họ thấy nếu theo đuổi đam mê nhất định sẽ thành công. “Bố mẹ luôn nghĩ người ta trả tiền cho em thì em phải chụp theo ý người ta. Nhưng em lại muốn bố mẹ hiểu rằng người ta trả tiền để mua cái sáng tạo của em chứ không thể bắt em làm theo ý của họ được”, Vy nói.
Thời gian tới, Vy sẽ thử sức với nhiều thể loại ảnh, học thêm về đồ họa và những môn liên quan đến nhiếp ảnh để có thể khẳng định bản thân trên con đường đã chọn.