Ngày 20/5, khép lại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF diễn ra tại Mỹ, Ban tổ chức công bố giải thưởng. Phạm Thị Minh Huệ và Lê Tuyết Quỳnh Anh đến từ THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đã giành giải ba lĩnh vực Hóa sinh, trị giá 1.000 USD.
Hai nữ sinh đất Cảng đoạt giải với dự án "Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng". Bảy dự án còn lại của Việt Nam tham dự Intel ISEF không giành được giải.
Intel ISEF 2018 quy tụ 1.700 học sinh trung học đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Oliver Nicholls (19 tuổi) đến từ Australia được vinh danh ở giải thưởng cao nhất trị giá 75.000 USD nhờ thiết kế robot tự động làm sạch cửa sổ cho các tòa nhà thương mại. Hai giải 50.000 USD thuộc về Meghana Bollimpalli (17 tuổi) và Dhruvik Parikh (18 tuổi), đều là học sinh Mỹ.
Bên cạnh ba giải lớn nhất kể trên, khoảng 600 cá nhân và đội thi đấu lọt vào chung kết nhận được nhiều giải thưởng khác, gồm 24 giải trị giá 5.000 USD cho cá nhân hoặc đội thể hiện xuất sắc trong lĩnh vực nhất định.
Ngoài ra, mỗi lĩnh vực sẽ có các giải nhất, nhì, ba, tư, tương ứng 3.0000 USD, 1.500 USD, 1.000 USD và 500 USD. Tổ chức Intel đã trao tặng 1.000 USD cho mỗi trường có đại diện giành giải.
Intel ISEF 2017, Việt Nam mang về một giải ba, bốn giải tư và một số giải của nhà tài trợ. Phạm Huy, học sinh Quảng Trị chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật, đã ẵm giải ba.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel (Intel ISEF) là chương trình của Society for Science & the Public (gọi tắt là SSP hoặc Society) - tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học thông qua giáo dục, có trụ sở tại Washington (Mỹ). Năm 1950, cuộc thi khoa học này được tổ chức lần đầu với quy mô quốc gia tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Năm 1958, với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức, nó được mở rộng và hiện là cuộc thi khoa học quốc tế lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến 12). |