Nguyễn Thị Song Trà (20 tuổi) là sinh viên chuyên ngành Thông tin đối ngoại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hơn một năm qua, Trà là trưởng ban tổ chức của một dự án giáo dục giới tính cho học sinh, do em lên ý tưởng và kêu gọi các bạn cùng thực hiện.
Trà bắt đầu ý tưởng khi một lần về quê Quảng Bình, đứa cháu 10 tuổi hỏi “Cô ơi, con được sinh ra từ đâu?”. Câu hỏi khiến Trà bối rối, chưa biết trả lời thế nào. Luôn được mẹ chỉ cho kiến thức về giới từ khi còn nhỏ, Trà không biết rằng không phải gia đình nào cũng dạy con như vậy. Từ đó, em nung nấu dự định phải làm sao để trẻ em Việt Nam hiểu biết về giới và làm thế nào để tất cả mọi người nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính.
Những vụ xâm hại tình dục xảy ra với các em nhỏ 6-7 tuổi, những con số nạo phá thai liên tục xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng như một sự thúc giục Trà. Em chia sẻ ý tưởng cho 3 bạn cùng lớp và nhận được sự ủng hộ mặc dù kiến thức về giới của cả nhóm chưa thực sự nhiều.
Bắt đầu tuyển cộng tác viên, lên nội dung, kế hoạch để xin bảo trợ pháp lý và hỗ trợ tài chính, Trà và các bạn gặp rất nhiều khó khăn. Đi đến nhiều tổ chức và hàng chục công ty lớn nhỏ ở Hà Nội xin kinh phí, nhiều lần bị từ chối, các thành viên có phần lung lay, nhưng Trà thì không.
Cô gái trường báo kể những ngày nắng nóng mùa hè, rong ruổi khắp Hà Nội để gửi hồ sơ xin tài trợ. Khi không nhận được sự hỗ trợ, em quay lại lần nữa để xin lại hồ sơ. Trà không muốn công sức của cả nhóm bị cho vào thùng rác và cũng không muốn lãng phí dù chỉ là một đồng in bộ hồ sơ.
Cuối cùng, sau nhiều lần bị trả hồ sơ, em nhận được cái gật đầu đồng ý bảo trợ pháp lý từ Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, nhận được sự góp ý từ trung tâm về một số nội dung dự án.
Hiện rất nhiều dự án giáo dục giới tính được các tổ chức thực hiện nhưng hầu hết thiên về xâm hại tình dục chứ không bắt đầu từ những điều đơn giản và cơ bản nhất. Trà nhận rõ điều đó qua các cuộc khảo sát và quyết định xây dựng giáo án đơn giản, thiết thực nhất, đem lại kiến thức ban đầu về giới cho học sinh.
Thông tin trên sách báo và Internet không phải là ít nhưng làm thế nào để truyền đạt giúp các em tiểu học nhanh chóng thích thú và tiếp thu thì không dễ dàng. Việc được một trường đồng ý cho nhóm dự án được giảng dạy cũng vô cùng khó khăn. Trà đến nhiều trường tiểu học công lập ở Hà Nội nhưng chủ yếu nhận được những cái lắc đầu. Em quyết định chuyển hướng liên hệ với những trường quốc tế trước và may mắn nhận được sự đồng ý.
Những buổi giáo dục giới tính của Trà và các bạn nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ phía nhà trường và học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường tiểu học quốc tế VIP school cho biết, học sinh trong trường rất thích giờ học về giới do nhóm Trà đứng lớp. Cô đánh giá cao dự án và luôn mong muốn nhóm tiếp tục giảng dạy ở trường. Chính những điều này là động lực để Trà gắn bó với dự án.
Không chỉ giảng dạy ở các trường tiểu học Hà Nội, hiện nhóm dự án hướng tới những trung tâm nuôi dạy người khuyết tật và trường học ở khắp vùng miền cả nước. Tháng 10 tới, em sẽ giảng dạy ở Nghệ An và tiếp đến là Quảng Bình. Em cho rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng cần được giáo dục giới tính, đặc biệt là ở nơi có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao, những địa điểm đang phát triển du lịch.
Với Trà, dự án này như đứa con tinh thần. Em luôn phải tự đặt mình là nạn nhân của xâm hại tình dục do thiếu hiểu biết về giới hay một nạn nhân của mối tình sai trái để thấy được tầm quan trọng của giáo dục giới tính, để không bỏ cuộc.
Thừa nhận dự án đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập, nhưng Trà tự cân bằng được. Em hy vọng trong tương lai gần, dự án sẽ phát triển hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy trong nhà trường mà còn tổ chức thêm sự kiện để cả học sinh và phụ huynh cùng tìm hiểu về giới tính, cách giáo dục giới tính ngay trong mỗi gia đình.
Thanh Tâm