Luxembourg, đất nước nhỏ bé ở châu Âu với dân số chỉ hơn 540.000 được ngưỡng mộ bởi âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh và kiến trúc. Những lễ hội được tổ chức quanh năm phản ánh di sản văn hóa truyền thống của đất nước chưa hề bị mai một. Bên cạnh vẻ đẹp văn hóa, Luxembourg còn đề cao giáo dục, thể hiện rõ rệt ở mức lương giáo viên cao nhất thế giới qua nhiều năm.
Là một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu, Luxembourg lại có GDP bình quân đầu người cao thứ hai thế giới (chỉ sau Qatar) và gần gấp 3 lần chỉ số trung bình của EU. Các ngành công nghiệp chính của Luxembourg bao gồm sắt thép, ngân hàng, chế biến thực phẩm và hóa chất.
Do đó không có gì khó hiểu khi bạn gặp một giáo viên kiếm hơn 138.000 USD/năm tại Luxembourg. Mức lương khởi điểm của giáo viên trung học cơ sở ở đất nước này là 79.000 USD, theo khảo sát năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Con số này thậm chí còn cao hơn mức lương tối đa của hầu hết giáo viên trên thế giới.
Các nhà giáo tại Luxembourg cũng có tiềm năng phát triển mức lương vượt trội sau nhiều năm kinh nghiệm. Nền giáo dục ở quốc gia này có nhiều điểm độc đáo, bao gồm chú trọng dạy đa ngôn ngữ và chủ trương chỉ mở một trường đại học.
Một vòng quanh ngôi trường đại học công duy nhất ở Luxembourg
Hệ thống giáo dục đa ngôn ngữ
Ngoài tiếng mẹ đẻ, người dân Luxembourg có thể sử dụng tiếng Đức, Pháp và Anh. Tiếng Đức là ngoại ngữ đầu tiên được dạy ở trường, được sử dụng bởi các Giáo hội và cả phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, mọi doanh nghiệp thực hiện các hoạt động giao dịch chính thức bằng tiếng Pháp.
Điều này xuất phát từ việc hệ thống giáo dục của Luxembourg bắt buộc học ba ngôn ngữ. Ở lớp mầm non, trẻ nghe nói bằng tiếng Luxembourg. Lượng trẻ nước ngoài ở đây khá lớn, do đó đây cũng chính là những trải nghiệm đầu tiên của chúng về ngôn ngữ này. Từ 6 tuổi, trẻ học đọc và viết tiếng Đức. Năm tiếp theo, tiếng Pháp được giới thiệu, trong khi ngôn ngữ chính ở trường vẫn là tiếng Đức. Khi lên trung học, nội dung bài học của các em được soạn bằng tiếng Pháp.
Ngoài ra, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ bắt buộc ở tất cả trường trung học. Học sinh ở trường dạy nghề cũng có thể chọn học tiếng Latin, Tây Ban Nha hoặc Italy. Thời lượng dạy ngôn ngữ ở mọi cấp học chiếm 50%.
Chú trọng ngôn ngữ trong giáo dục mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp trẻ em tự tin hòa nhập với thế giới khi lớn lên.
Cách phân chia cấp độ giáo dục
Hệ thống giáo dục Luxembourg bao gồm giáo dục cơ bản, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Tuy nhiên, hầu hết trường học do nhà nước quản lý và cung cấp giáo dục miễn phí. Độ tuổi bắt buộc đến trường là 4-16.
Giáo dục cơ bản bao gồm mầm non và tiểu học, được chia thành 4 chu kỳ (cycle) thay vì năm học (3-5 tuổi, 6-7 tuổi, 8-9 tuổi, 10-11 tuổi). Hệ thống phân chia này được giới thiệu vào năm 2009.
Giáo dục trung học kéo dài 6-7 năm, bao gồm hệ thống cổ điển và kỹ thuật. Học sinh tham gia hệ thống giáo dục cổ điển nhằm hướng tới giáo duc đại học, được trang bị giáo dục toàn diện, tiếp thu kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, văn học, toán học, nhân văn. Đối với hệ thống kỹ thuật, học sinh tập trung học nghề. Tuy nhiên, các em vẫn hoàn toàn có thể vào đại học nếu muốn.
Các trường trung học theo hệ thống cổ điển được gọi là lycées, trong khi các trường còn lại là lycées techniques. Một số lycées cung cấp cả hai loại hình giáo dục. Lycées lâu đời nhất là Athénée de Luxembourg, thành lập từ năm 1603. Trong suốt thời gian dài, đây là ngôi trường trung học duy nhất.
Đặc biệt hơn, Đại học Luxembourg thành lập vào năm 2003 là trường đại học công lập duy nhất trên cả nước. Trường sử dụng tiếng Anh, Đức và Pháp. Ngoài ra, một số trường đại học nước ngoài có cơ sở ở Luxembourg.
Các trường trung học dạy nghề cũng cung cấp chương trình giáo dục ở cấp độ cao hơn, trong các lĩnh vực kinh doanh, quản lý, nghệ thuật và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài trường học công miễn phí, Luxembourg có một số trường tư thu học phí, sử dụng cùng chương trình giảng dạy tiêu chuẩn và một số trường quốc tế dạy theo chương trình nước ngoài.
Phiêu Linh (tổng hợp)