Sau vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấm thẩm định (chấm lại) bài thi nghi vấn. Kết quả 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh năm 2017 với 140 bài thi được sửa điểm. Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài Ngữ văn có sự can thiệp. Mức điểm nâng tối đa là 9,25 cho một bài thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, được sử dụng thay thế kết quả công bố ngày 11/7/2018 để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Do 114 thí sinh ở Hà Giang được trả về điểm thực trước mùa xét tuyển đại học 2018 nên đa số "liệu cơm gắp mắm", lựa chọn trường phù hợp với số điểm để theo học. Riêng 108 thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La do việc gian lận điểm thi tinh vi hơn nên đến tháng 3/2019 mới có kết quả chấm thẩm định. Số này nếu theo học đại học thì đã gần hết năm thứ nhất.
Xét lại tốt nghiệp thí sinh được nâng điểm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xử lý 108 thí sinh Sơn La, Hòa Bình, hiện phần lớn đã là sinh viên đại học, phải căn cứ Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018. Đầu tiên phải xem xét với số điểm sau chấm thẩm định, thí sinh có đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp hay không?
Một số thí sinh có điểm bài thi trắc nghiệm thay đổi đến 9, tức điểm chấm thẩm định dưới 1, chắc chắn bị trượt tốt nghiệp năm 2018. Vì theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp là điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT (gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp lựa chọn), điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang 10.
Nếu tất cả bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên thì học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này có nghĩa, chỉ khi điểm bài thi bị liệt (từ 1 trở xuống) hoặc quá thấp, điểm trung bình lớp 12 cũng thấp thì thí sinh mới trượt tốt nghiệp.
Thí sinh vẫn được thi lại vào năm 2019
Ngày 12/4, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, Hòa Bình vẫn trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật. Theo quy chế, các thí sinh liên quan vẫn có thể được đăng ký dự thi năm 2019.
"Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định thí sinh nào sai phạm thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý ở mức độ phù hợp theo quy định pháp luật", đại diện Cục Quản lý chất lượng khẳng định.
Như vậy, những thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2018, hoặc sau khi chấm thẩm định không đủ điểm vào các đại học, thì vẫn được thi THPT quốc gia 2019 để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Nếu đủ điểm trúng tuyển, thí sinh được học tiếp đại học
Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh sẽ bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển và buộc thôi học nếu có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển của trường. Vì lý do này, các trường thuộc khối công an đã trả 28 em về đơn vị sơ tuyển tại địa phương để làm thủ tục trả về gia đình. Đại học Y Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân, mỗi trường buộc thôi học hai em.
Trong khi chờ cơ quan công an điều tra, đưa ra kết luận cuối cùng về đối tượng và mức độ sai phạm, những thí sinh trong nhóm 108 em ở Hòa Bình, Sơn La được tiếp tục học đại học, cao đẳng nhờ có điểm chấm thẩm định bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển.
Một trường hợp khác là thí sinh có chấm thẩm định bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển nhưng vẫn có nguy cơ bị buộc thôi học. Tình huống này xảy ra khi học sinh đó có điểm chấm thẩm định của môn xét tốt nghiệp (không nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học) bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). PGS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, cho biết trường có một thí sinh Hòa Bình như vậy.
"Thí sinh có điểm chấm lại đủ điểm chuẩn, nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị giảm 2 điểm. Phải xem xét em này đủ điều kiện tốt nghiệp mới tiếp tục được theo học ngành Y đa khoa", ông Tú nói.
Có nhân nhượng cho thí sinh được nâng điểm?
Theo quy chế, thí sinh chép bài từ tài liệu mang trái phép vào phòng thi hay những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy thi không đúng quy định sẽ bị cho 0 điểm. Thí sinh mang vật dụng trái phép vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi nội dung không liên quan đến bài thi hay có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ và thí sinh khác sẽ bị đình chỉ thi.
Khi bị đình chỉ, môn thi đó sẽ bị 0 điểm, đồng thời thí sinh không được tiếp tục dự thi các bài, môn thi thành phần tiếp theo, không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nếu so sánh mức kỷ luật thí sinh vi phạm quy chế thi này với việc trả điểm thật cho nhóm thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình mà không kèm theo hình thức xử lý nào, nhiều nhà giáo dục cho rằng không công bằng?
Trả lời VnExpress sau khi 114 thí sinh Hà Giang chỉ bị trả về điểm thật mà không phải chịu kỷ luật gì khác, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định xử lý gian lận thi cử phải đảm bảo hai yêu cầu là tạo sự công bằng và răn đe sai phạm.
"Thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, chưa kịp sử dụng, nếu bị phát hiện thì lập tức bị đình chỉ, coi như hỏng thi năm đó. Trong khi đó, thí sinh được nâng điểm, kết quả gấp nhiều lần thực chất mà chỉ bị hạ điểm thì quá vô lý", ông Vinh nói.
Lãnh đạo một đại học TP HCM quả quyết không thể nói thí sinh vô can trong gian lận thi cử, sửa điểm. "Ngay cả trường hợp tham gia thi nghiêm túc, cha mẹ hoặc người khác nâng điểm mà không hề hay biết thì đến lúc biết điểm thi, thí sinh dễ dàng nhận ra sự bất thường. Các em đã không dám tố cáo sai phạm nên có thể coi là đồng phạm", ông nêu quan điểm và đề nghị bất cứ bài thi nào bị phát hiện được nâng điểm thì phải hủy toàn bộ kết quả thi.
Hiện, không chỉ thí sinh, phụ huynh, người thân - những người dùng tiền, dùng quyền để nâng điểm cho con em - vẫn chưa bị xử lý. Cơ quan công an mới khởi tố, tạm giam 16 người ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Họ là cán bộ giáo dục, công an tham gia tổ chức thi THPT quốc gia 2018.
Nếu nhìn sang Mỹ, cuối tháng 3 đầu tháng 4, khi đường dây chạy trường bị lật tẩy, khoảng 50 người phải hầu tòa, trong đó có nhiều phụ huynh nổi tiếng như sao Hollywood Lori Loughlin và Felicity Huffman. Án phạt nặng nhất cho các bị cáo là 20 năm tù, ba năm quản giáo và khoản tiền phạt 250.000 USD cho cáo buộc âm mưu lừa đảo qua thư và gian lận thi cử. Chưa kể, họ còn bị nhiều đoàn làm phim, công ty quảng cáo chấm dứt hợp đồng khi sự việc bị phanh phui.