Thống kê dữ liệu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội từ năm 2015 đến 2018 cho thấy, hai năm đầu sĩ tử miền núi phía Bắc có điểm xét tuyển cao rất hiếm, hai năm sau lại nhiều. Sự thay đổi này trùng hợp với thời điểm kỳ thi THPT quốc gia có sự chuyển vai trò chủ trì tổ chức thi từ trường đại học sang địa phương.
Năm 2015, trong 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất Đại học Y Hà Nội có 2 em đến từ Lạng Sơn (32 điểm, đứng thứ ba) và Hòa Bình (31 điểm, xếp thứ tám). Hai vị trí đứng đầu là thí sinh của Thanh Hóa (33,25 điểm) và Hà Nội, Tuyên Quang (cùng đạt 32,25 điểm).
Năm 2016, không thí sinh nào của miền núi phía Bắc có tên trong danh sách 10 em đạt điểm xét tuyển cao nhất Đại học Y Hà Nội. Đứng đầu là thí sinh Bình Định với 32 điểm, thứ hai là sĩ tử Nghệ An (31,5 điểm) và thứ ba đến từ Hưng Yên (31,25 điểm).
(Các tỉnh miền núi phía Bắc được thống kê gồm: Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang)
2017 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh chủ trì cụm thi THPT quốc gia, thí sinh miền núi phía Bắc vọt lên chiếm ba vị trí đầu bảng trong tốp 10 đạt điểm xét tuyển cao nhất. Điểm ưu tiên xét tuyển năm đó so với hai năm trước không thay đổi, mức tối đa vẫn là 3,5.
Thí sinh của Lạng Sơn với 34,75 điểm đứng đầu toàn trường Đại học Y Hà Nội về kết quả xét tuyển. Đồng vị trí thứ hai là thí sinh của tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, cùng đạt 32,75 điểm. Xếp thứ ba là thí sinh đến từ Lạng Sơn với kết quả 32,5. Như vậy, tổng số thí sinh miền núi phía Bắc lọt tốp điểm cao là 4.
Thí sinh của Hà Nội, Thái Bình cùng xếp vị trí thứ tư, Nghệ An và Nam Định cùng xếp thứ sáu trong danh sách 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất mùa tuyển sinh 2017.
Năm 2018 tiếp tục có 4 thí sinh các tỉnh Sơn La, Điện Biên đứng trong tốp 10 em đạt điểm xét tuyển cao vào Đại học Y Hà Nội. So với năm trước, Bộ Giáo dục đã giảm điểm ưu tiên khu vực xuống một nửa, từ tối đa 1,5 xuống 0,75.
Cụ thể, thí sinh Sơn La đứng thứ ba trong danh sách điểm cao nhất với 29,15; xếp sau là sĩ tử đến từ Phú Thọ (29,79 điểm), Nghệ An (29,45 điểm). Số báo danh 1400xx15 của Sơn La đồng thời có tổng điểm thi 3 môn cao thứ ba Đại học Y Hà Nội với 28,4; đứng sau thí sinh của Phú Thọ (29,55 điểm) và Hà Nội (29 điểm). Điểm thi từng môn của em là Toán 9,4; Hóa học 9,5 và Sinh học 9,5.
Thí sinh của Điện Biên đồng xếp thứ tư với sĩ tử Thanh Hóa, trong danh sách có kết quả xét tuyển cao nhất, đạt 29,1 điểm. Hai thí sinh còn lại của tỉnh miền núi phía Bắc trong tốp 10 điểm xét tuyển cao nhất đứng vị trí thứ tám và chín, cùng đến từ Điện Biên với 28,54 và 28,45 điểm.
Mùa tuyển sinh năm nay, số thí sinh của Sơn La và Điện Biên đỗ vào Đại học Y Hà Nội cao nhất trong 4 năm thi THPT quốc gia với 9 và 5 em. Con số của ba năm trước (2015-2017) của Sơn La lần lượt là 4, 5, 7; Điện Biên là 0, 2, 2.
Số thí sinh của Hòa Bình và Lạng Sơn đỗ vào trường Y Hà Nội năm nay lại giảm. Năm 2015-2017, con số của Hòa Bình lần lượt là 7, 13, 22, năm nay là 12; của Lạng Sơn là 7, 12, 15 và năm nay là 9.
Trong cả 4 mùa tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia (2015-2018), địa phương có số thí sinh đỗ vào Đại học Y Hà Nội cao nhất vẫn là Hà Nội, xếp sau là Thanh Hóa, Nam Định và Nghệ An.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù một số bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.