Công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giáo dục, nhưng chưa phải cho tất cả mọi người. Khoảng cách cơ hội cho phụ nữ đang bị nới rộng và ngày càng bỏ họ tụt lại phía sau. Đó là nội dung chính bài viết của Meighan Stone, nguyên Chủ tịch quỹ Malala - Tổ chức phi lợi nhuận về quyền giáo dục của trẻ em gái - nằm trong chuỗi bài viết "Tương lai của giáo dục đại học". Đây là chuỗi bài phác họa bức tranh về thế giới tương lai, tập hợp ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín do trang công nghệ Quartz (Mỹ) thực hiện.
Smartphone sẽ cứu lấy giáo dục - đó là những điều chúng ta thường nghe thấy. Giáo dục đang dần rẻ hơn, smartphone sẽ giúp đỡ phụ nữ ở các nước đang phát triển kiếm bằng đại học... Công nghệ được coi là chìa khóa đưa mọi người đến sự công bằng và là cách để tiếp cận bậc giáo dục đại học dễ dàng hơn.
Nhưng công nghệ có thực sự là giải pháp, nhất là với phụ nữ? Vì sự phân biệt giới tính đã ăn sâu vào lối sống, thế hệ phụ nữ trong tương lai vẫn đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Giáo dục qua smartphone mang lại rất nhiều hứa hẹn, nhưng đó là khi chúng ta đã giải quyết các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng trước tiên.
Sự bất công trong online là hậu quả của những vấn đề offline
Để tiếp cận giáo dục công nghệ, trước hết phải có smartphone. Thực tế, hơn một nửa dân số toàn cầu vẫn đang ngoài vùng kết nối. Tầm bao phủ của mạng lưới internet toàn cầu dự kiến chỉ đến 50% vào giữa 2019. Điều này được thể hiện rõ nhất qua một tấm ảnh được lan truyền nhanh chóng của một giáo viên người Ghana tên Richard Akoto. Mặc dù ngôi trường anh dạy không có máy tính, học sinh ở đó phải thi đỗ kỳ thi quốc gia để được lên trung học - và kiến thức về máy tính là một phần của bài thi đó. Akoto đã vẽ giao diện Windows lên chiếc bảng đen để dạy học sinh của mình.
Phụ nữ cũng đang chờ đợi để được kết nối mạng internet. Theo Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, từ 2013, sự chênh lệch giới tính trong kết nối internet đang giảm dần theo thời gian. Nhưng nếu khảo sát dữ liệu theo một vùng nhất định, có thể thấy rằng kết nối internet chỉ được cải thiện ở vài nơi, dành cho vài người: nam giới.
Ở những quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình như Pakistan và Uganda, hơn 1,2 tỷ phụ nữ không dùng điện thoại có internet. Lượng người dùng internet là nữ giới thấp hơn 25% so với nam giới, và chỉ một trong 7 phụ nữ dùng internet. Chỉ có Mỹ là nơi mà tỷ lệ phụ nữ dùng internet cao hơn nam giới.
Tại sao nam giới đang sử dụng internet nhiều hơn nữ giới ở 2/3 các nước trên thế giới? Thực tế, việc kết nối mạng khó hơn đối với một cô gái trẻ: chi phí, định kiến giới tính và sự lo lắng của gia đình đối với nguy cơ bị quấy rối trên mạng sẽ ngăn cản phụ nữ sử dụng công nghệ và khiến họ bỏ lỡ các cơ hội phía trước. Rào cản để phụ nữ tiếp cận công nghệ, trước hết, là rào cản lạc hậu nhất: gia đình hoặc cộng đồng.
Ở Ấn Độ, nơi lượng người dùng internet là phụ nữ chỉ chiếm 29%. Những người lãnh đạo ở vùng nông thôn Rajasthan cấm phụ nữ sử dụng mạng xã hội. Một ngôi làng ở Uttar Pradesh phạt tiền những cô gái chưa có chồng mà sử dụng điện thoại di động ngoài đường. Ở Sri Lanka, chỉ 1/3 thế hệ trẻ sử dụng internet trên điện thoại là nữ giới. Phụ huynh cho biết chính họ hạn chế điều đó, thường vì lý do an toàn.
Những vấn đề về giáo dục và giới tính đã ăn sâu vào gốc rễ, đó mới là thách thức mà bất kỳ công nghệ nào cũng phải vượt qua để thực sự thành công. Điều này đã tạo ra một viễn cảnh đầy nghịch lý: phụ nữ cần điện thoại để tiếp cận giáo dục hiện đại, nhưng họ lại không thể sử dụng công nghệ đó, trừ khi họ đã có được nền giáo dục văn minh.
Phát triển giáo dục cho nữ sinh
Mặc dù trong vài thập kỷ gần đây, thế giới đã có bước tiến lớn về bình đẳng giới tính trong giáo dục, chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó ở bậc đại học hay cao đẳng.
Ngay cả khi phụ nữ trẻ may mắn được đi học, họ thường không được học các kỹ năng giúp họ cạnh tranh toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kiến thức đang ảnh hưởng đến những cô gái nghèo khổ và bị động nhất, nới rộng khoảng cách cơ hội và ngày càng bỏ họ tụt lại phía sau.
Ngoài ra, nếu một cô gái trẻ được sở hữu một chiếc điện thoại và gia đình cô ủng hộ điều đó, vẫn còn một rào chắn ngăn cản việc học bằng cấp online: khả năng chi trả cho dữ liệu.
Dữ liệu đang quá đắt đỏ. Theo nghiên cứu công bố vào tháng trước bởi Alliance for Affordable Internet, hơn 2,3 tỷ người trên thế giới không thể chi trả cho chỉ 1GB dung lượng điện thoại. Ở một vài nước, 1GB có thể có giá bằng 20% thu nhập bình quân hàng tháng.
Nếu bạn là một nữ sinh nghèo ở vùng nông thôn Afghanistan, việc tải một video từ chương trình đại học online vẫn là một thách thức. Có quyền truy cập vào phần cứng không có nghĩa là có thể sử dụng chúng, khi chi phí dữ liệu vẫn quá khả năng chi trả.
Các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế như NetHope đang có những hành động để mở rộng mạng lưới internet và giảm chi phí cho dữ liệu học tập. Nhưng vấn đề này cần được giải quyết ở cấp độ lớn hơn. Để vượt qua thử thách về truy cập và tác động, chính phủ, các tổ chức và cơ quan tư nhân... sẽ phải coi các chính sách liên quan tới kỹ thuật số là tâm điểm sự phát triển toàn cầu.
Giáo dục trực tuyến trên điện thoại cần phải thành công, vì hàng triệu cô gái trẻ đang đợi để phát huy tiềm năng của họ. Nó chỉ có thể thành công nếu như nữ sinh ở các nước đang phát triển có được sự quan tâm đúng mức. Bởi vì ai có thể sẽ là Steve Jobs tiếp theo? Rất có thể cô ấy đang ở châu Phi và sẵn sàng học tập.
Lê Phượng (theo Quartz)