Sáng 6/4, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định việc xét, công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cơ sở giáo dục, thay vì tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi như trước đây.
Dự thảo thông tư quy định điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh; tiêu chí, minh chứng và hồ sơ xét công nhận giáo viên dạy giỏi mầm non và phổ thông, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận xét các tiêu chí đánh giá trong dự thảo đủ, nhưng rất khó thực hiện. Việc xét công nhận giáo viên giỏi chắc chắn phải rơi vào cuối năm, trong khi cuối năm là thời điểm rất bận rộn với xét danh hiệu chiến sĩ thi đua, xét mức đạt chuẩn của giáo viên, cán bộ quản lý... nên không thực sự thích hợp.
Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý hội thi giáo viên dạy giỏi, cô Yến đánh giá dù có một số mặt trái đã được dư luận chỉ ra, hội thi mang lại những lợi ích không thể phủ nhận. Một trong số đó là cơ hội sinh hoạt chuyên môn trên diện rộng. Để có một tiết học dự thi, tất cả thành viên từ bộ phận thiết bị đến giáo viên cùng môn, khác môn đều phải xung trận. Nếu thi cấp trường sẽ là câu chuyện của cả tổ chuyên môn, thi cấp huyện là của cả trường. Sau hội thi, thầy cô trở thành cán bộ cốt cán về phương pháp dạy học.
![Cô Trần Thị Hải Yến đánh giá hội thi dạy giỏi có nhiều ưu điểm. Ảnh: Thùy Linh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/06/giao-vien-1-2101-1554542515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lh3iYf5aIVAxFWwUTARyAQ)
Cô Trần Thị Hải Yến đánh giá hội thi dạy giỏi có nhiều ưu điểm. Ảnh: Thùy Linh
Một trong những lý do Bộ Giáo dục muốn chuyển sang xét, công nhận giáo viên dạy giỏi là giảm áp lực cho các nhà giáo. Tuy nhiên, cô Đào Thị Thủy (trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) cho rằng nếu giáo viên không áp lực thì hoạt động giảng dạy trong nhà trường không thể phát triển.
Cô Thủy lấy ví dụ khi trường của cô cho phép giáo viên tự đăng ký mà không bắt buộc tham gia hội thi dạy giỏi cấp trường, hầu hết giáo viên lớn tuổi không đăng ký. Trong khi đó, việc thể hiện năng lực bản thân trước hội đồng sư phạm giúp mỗi người có cơ hội nhìn lại quy trình dạy học của mình, có cơ hội áp dụng phương pháp mới để tiến bộ.
Cô Phạm Thị Vân Anh (trường THCS Nam Trung Yên) lo rằng việc xét, công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ dẫn đến chuyển từ áp lực này sang áp lực khác. Thay vì áp lực chuẩn bị tiết dạy ấn tượng, nhà giáo phải mất nhiều thời gian tìm minh chứng nhằm đáp ứng điều kiện xét, công nhận giáo viên giỏi. Cô mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện quy trình cụ thể, chọn đúng tiêu chí cốt lõi và thực sự cần thiết để giảm tải thời gian chuẩn bị hồ sơ cho giáo viên.
Từng hai lần được công nhận giáo viên dạy giỏi, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ thấy sự tiến bộ về chuyên môn nhiều hơn hẳn áp lực hội thi mang lại. Cô quan niệm, một giáo viên dạy giỏi phải có tiết dạy thành công, được sự công nhận của hội đồng giáo viên, chẳng hạn thông qua hình thức dự giờ. Việc trao danh hiệu này không thể thoát ly ra khỏi những tiết dạy. Tương tự, muốn công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi không thể thoát ly ra khỏi những hoạt động giáo dục mà giáo viên chủ nhiệm triển khai cho lớp học, được đồng nghiệp nhìn thấy và đánh giá tốt.
Theo cô Thu Anh, nếu chuyển hình thức đánh giá từ hội thi sang xét công nhận, các trường phổ thông phải chịu trách nhiệm về kết quả nhiều hơn so với trước kia. Minh chứng để xác định giáo viên có đủ điều kiện được công nhận hay không sẽ không chỉ là một giờ học mà sẽ là cả quá trình, do đó bắt buộc phải tìm ra các chỉ số có thể định lượng được. Một trong những minh chứng có thể dễ dàng xem xét là sự tiến bộ của từng học sinh so với kết quả đầu vào.
Về điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường được Bộ phác thảo là "được đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ tín nhiệm", cô Thu Anh cho rằng đánh giá của học sinh thường cảm tính, còn việc lấy ý kiến của phụ huynh không phải nhiệm vụ dễ dàng vì nhiều người ngại nói về khuyết điểm của giáo viên. Hơn nữa, với một số bộ môn cả trường chỉ có hai giáo viên như Giáo dục công dân, việc đánh giá lẫn nhau khó hiệu quả nếu không có người có trình độ chuyên môn giỏi. Việc xét công nhận có thể dẫn đến số giáo viên giỏi rất nhiều nhưng không thực chất.
Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, cho hay địa phương đã tổ chức ba hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (theo quy định bốn năm một lần) kể từ khi Thông tư 21 về điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên được ban hành vào tháng 7/2010. Sau mỗi hội thi, chất lượng dạy học được nâng cao. Do vậy, theo ông nếu chỉ xét công nhận giáo viên dạy giỏi thì không thúc đẩy được phong trào đổi mới dạy học và phong trào thi đua.
![Ông Nguyễn Văn Đầm đề xuất danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện hay tỉnh đều nên có giá trị chỉ một năm.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/06/giao-vien-1901-1554542515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pksXJ6SEQ4b8yABtJWtBKg)
Ông Nguyễn Văn Đầm đề xuất danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện hay tỉnh đều nên có giá trị chỉ một năm.
"Sản phẩm của nhà giáo là giờ dạy và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Nếu đánh giá giáo viên dạy giỏi mà không dựa trên sản phẩm, tôi cho là không thỏa đáng. Vẫn nên có hội giảng cấp trường", ông nói.
Ngoài ra, dự thảo quy định tỷ lệ giáo viên được công nhận danh hiệu "giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường" không quá 15% tổng số giáo viên của nhà trường trong mỗi một lần xét. Điều này không công bằng bởi chất lượng các trường không đồng đều. Chỉ tiêu này chỉ nên quy định ở cấp huyện và tỉnh, thành phố, ông Đầm kiến nghị.
Ông Đầm cũng đề xuất giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện hay cấp tỉnh đều chỉ có giá trị trong một năm, tương tự danh hiệu học sinh giỏi, nhằm khuyến khích giáo viên tiếp tục phấn đấu.
Từ những phân tích trên, nhiều nhà giáo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc khi chuyển từ hội thi giáo viên dạy giỏi sang xét công nhận.
Cách thức xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi theo dự thảo:
Đối với cấp trường:
- Giáo viên nếu có nguyện vọng chủ động tự đối chiếu và hoàn thành hồ sơ, nộp tổ trưởng hoặc khối trưởng chuyên môn. Thời điểm nộp hồ sơ là sau khi có kết quả đánh giá Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo kế hoạch của nhà trường (điều kiện xét là phải đạt chuẩn nghề nghiệp mức khá trở nên trong thời gian liền kề năm xét công nhận).
- Tổ trưởng hoặc khối trưởng chuyên môn rà soát hồ sơ của giáo viên tham gia công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đảm bảo đầy đủ theo quy định và gửi danh sách giáo viên đủ điều kiện kèm theo hồ sơ tới hội đồng.
- Hội đồng xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường tổ chức xét theo quy định.
- Căn cứ tình hình thực tiễn, hội đồng xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường quy định tỷ lệ giáo viên được công nhận danh hiệu cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số giáo viên của nhà trường trong mỗi một lần xét.
Đối với cấp huyện và cấp tỉnh, căn cứ danh sách và hồ sơ của giáo viên giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp thấp hơn, hội đồng cấp huyện và cấp tỉnh sẽ tổ chức xét theo quy định.
Giáo viên tham gia xét sẽ trình bày một báo cáo chuyên đề trước hội đồng, thời lượng tối đa 30 phút, thể hiện giải pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác giảng dạy (đối với giáo viên dạy giỏi); trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em (đối với giáo viên mầm non); trong công tác giáo dục (đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi) phù hợp với hồ sơ tham dự xét. Báo cáo chuyên đề là căn cứ tham khảo để các thành viên hội đồng thể hiện ý kiến khi bỏ phiếu kín đánh giá hồ sơ.
Sau đó, hội đồng xét quy định tỷ lệ giáo viên đủ điều kiện được trao danh hiệu cho phù hợp trong mỗi một lần xét.