25 tuổi, sau ba năm không có việc làm, Long bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Anh hầu như không có việc làm kể từ ngày ra trường, nhưng không muốn làm công nhân vì nghĩ vị trí đó không xứng với người tốt nghiệp đại học.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội trong quý III năm ngoái, hơn 55% trong tổng số 1,1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam độ tuổi 15-24. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là 7,8%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 2%.
Những con số trên cho thấy cuộc chiến khó khăn mà những người trẻ đang phải đối mặt trong việc kiếm công việc phù hợp với mong muốn và khả năng. Họ ngày càng thất vọng, chấp nhận hoặc nằm nhà chờ việc, hoặc làm công việc tạm thời với mức lương ít ỏi.
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang-hee Lee nhận định: “Mặc dù Việt Nam không có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở mức báo động như nhiều nước khác, đảm bảo việc làm có chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là một thử thách lớn với quốc gia này”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giới trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, khó tìm việc chủ yếu do các công ty muốn tuyển những ứng viên có kinh nghiệm.
Nguyễn Bích Thủy, 28 tuổi, đã nếm trải khó khăn đó. Tốt nghiệp Đại học Thương mại vài năm trước, Thủy không thể xin được công việc kế toán như mong muốn. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô bán bánh tự làm và trái cây online.
“Tôi không tự tin sẽ tìm được công việc ổn định trong tương lai”, Thủy nói. Cô đã gửi đi hàng chục đơn xin việc trong vài năm qua, nhưng chỉ nhận được vài lời mời phỏng vấn và cuối cùng vẫn thất bại. “Không có công việc ổn định, không có thu nhập tốt, tôi không dám lên kế hoạch gì dài hạn cho bản thân”, cô chia sẻ.
Một nguyên nhân khác của tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ là thanh niên, đặc biệt sinh viên mới ra trường, thà chấp nhận thất nghiệp còn hơn làm công việc lao động chân tay, các chuyên gia cho biết.
Không thiếu việc làm trong các nhà máy. Nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp ở Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Hải Dương rất khó khăn trong việc tuyển công nhân.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp dệt may, giày da, và đồ gỗ… tại các khu công nghiệp ở Hà Nội thường xuyên tổ chức nhiều đợt tuyển dụng lớn. Có doanh nghiệp cần tuyển tới hơn 1.000 công nhân mới một đợt, nhưng không thể kiếm được đủ người.
Các chuyên gia cho rằng nhiều thanh niên coi công việc tại các nhà máy là thấp cấp và không muốn làm. Thậm chí nhiều thanh niên có trình độ học vấn thấp cũng khăng khăng tìm công việc văn phòng.
Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, nhiều người thất nghiệp chủ yếu do muốn tìm kiếm các công việc có thu nhập tốt trong những lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao như tài chính, quản lý doanh nghiệp hay nhân sự.
Với anh Long, tìm một công việc vừa ý rất khó nhưng gia nhập lực lượng "áo cổ xanh" sẽ là chuyện không tưởng. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến xin việc ở nhà máy cả", Long khẳng định.